Masan sẽ mở lại gần 700 siêu thị VinMart+ trên toàn quốc
Nhờ đó, VinCommerce tiếp tục có lợi nhuận quý thứ hai liên tiếp. EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) của chuỗi bán lẻ này quý I đạt 131 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước âm 418 tỷ.
Biên EBITDA cũng tăng từ 0,2% quý IV/2020 lên 1,8% trong quý này. Masan cho biết đây là thành quả từ việc cải thiện biên lợi nhuận, tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.
Masan cho biết đã hoàn tất việc đàm phán với các nhà cung cấp đang chiếm 40% doanh số của VinCommerce. Biên lợi nhuận thương mại sau đàm phán dự kiến tăng 2,5-3% trong năm nay.
Song song đó, chi phí vận hành trung bình của mỗi cửa hàng VinMart+ trên mỗi tháng giảm 10% so với cùng kỳ năm trước còn với VinMart là 20%. Đến cuối tháng 3, VinCommerce đang vận hành 2.212 siêu thị mini VinMart+ và 122 siêu thị VinMart.
Trong quý I, Masan chỉ mở mới 12 điểm bán VinMart+ và đồng thời tiếp tục đóng cửa 31 siêu thị mini hoạt động kém hiệu quả.
Chủ tịch HĐQT Masan Nguyễn Đăng Quang cho rằng việc VinCommerce tiếp tục có lợi nhuận đã khẳng định năng lực của Masan trong việc vận hành nền tảng bán lẻ này. Ưu tiên hàng đầu của Masan hiện nay là tái mở rộng chuỗi bán lẻ trên toàn quốc.
“Mục tiêu đến cuối 2021, số lượng cửa hàng ít nhất sẽ tương đương với số lượng điểm bán khi Masan nhận sáp nhập VinCommerce. Nhưng điểm khác biệt là mạng lưới bán lẻ này sẽ có lợi nhuận”, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh.
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Masan sẽ phải mở lại 700 điểm bán để nâng tổng số cửa hàng bán lẻ lên hơn 3.000, tương đương thời điểm cuối năm 2019 khi thực hiện thương vụ mua lại VinCommerce từ tay Vingroup.
Trong quý I, tập đoàn SK của Hàn Quốc đã mua lại 16,3% cổ phần VinCommerce với giá trị 410 triệu USD. SK đồng thời cũng là cổ đông lớn sở hữu 9,4% vốn điều lệ tập đoàn Masan