Nguyễn Bá Cảnh Sơn, sáng lập, kiêm CEO Dat Bike

Những chiếc xe điện Tesla chính là lý do khiến Nguyễn Bá Cảnh Sơn từ bỏ vị trí lập trình viên tại Mỹ để về nước, thành lập hãng sản xuất xe điện ‘Made in Việt Nam’ Dat Bike.

Nguyễn Bá Cảnh Sơn, sáng lập, kiêm CEO Dat Bike.

Trở về để khởi nghiệp

“Tôi tin, khi có sự lựa chọn, thì người tiêu dùng sẽ chọn xe chạy điện thay vì xe chạy xăng. Tuy nhiên, do các loại xe máy điện trên thị trường hiện nay có công suất và quãng đường di chuyển thực tế thấp (50 km/lần sạc pin), nên thật khó để người dân đưa ra quyết định chuyển đổi. Xe điện Dat Bike xuất hiện để giải tỏa những hạn chế của các dòng xe điện cùng phân khúc”, Nguyễn Bá Cảnh Sơn tự tin chia sẻ về dự án khởi nghiệp của mình.

Cảnh Sơn sinh năm 1990 tại Đà Nẵng. Năm 2010, anh sang Mỹ theo học chuyên ngành công nghệ thông tin. Sau khi tốt nghiệp, Sơn có 4 năm làm việc ở vị trí lập trình viên trong một doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon.

“Nhìn những chiếc xe điện của Tesla chạy trên đường phố Mỹ, tôi nghĩ, tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng xe gắn máy chạy xăng rất cao, gây ô nhiễm lớn, nếu có thể thay thế một phần bằng xe máy chạy điện, thì sẽ đạt lợi ích về nhiều mặt”, Sơn kể. Từ đây, anh ấp ủ ý tưởng sản xuất xe máy điện tại Việt Nam.

Không có kiến thức chuyên sâu về chế tạo xe điện, để thực hiện kế hoạch khởi nghiệp của mình, Sơn đã dành một năm tại Mỹ để học về chế tạo, từ cơ khí, điện tử, đến thiết kế mạch, thiết kế công nghiệp, chuỗi cung ứng… Cũng trong khoảng thời gian này, Sơn đã tập hợp được một đội ngũ kỹ sư trẻ cùng chí hướng, mày mò học cách làm ra một chiếc xe máy điện tại Mỹ. Đây chính là bước đệm quan trọng cho quá trình hình thành và phát triển dự án tại Việt Nam của Sơn.

Năm 2018, quyết định về nước để thành lập Dat Bike, Sơn bị bố mẹ phản đối kịch liệt, bởi họ muốn anh có môi trường học tập và công tác rộng lớn, để tiếp tục học hỏi, ứng dụng những kiến thức đã học…

“Cho đến lúc này, bố mẹ vẫn chưa thực sự đồng tình với quyết định của tôi, nhưng với tôi, sự trở về này như một lẽ tất yếu. Tôi chưa từng có ý nghĩ hối hận, kể cả lúc gặp khó khăn nhất”, Sơn thổ lộ.

Mẫu xe máy đầu tiên của Dat Bike ra mắt thị trường Việt Nam vào năm 2019 từ nhà máy đặt tại Bình Dương, có tên là Weaver. Điểm ưu việt của mẫu xe này, cũng là sự khác biệt với các dòng xe điện hiện có trên thị trường nằm ở thời gian di chuyển dài và sạc pin nhanh. Pin lắp trong xe Weaver dùng công nghệ của LG, tương tự hệ thống pin lắp trên các xe ô tô điện Tesla. Đặc biệt, thời gian sử dụng pin lên tới 10 năm trong điều kiện sử dụng thường xuyên và dễ dàng tái chế, không gây tác động xấu tới môi trường.

Sơn tự hào: “Xe của Dat Bike là một trong những mẫu xe máy điện mạnh mẽ nhất Việt Nam với động cơ 5.000W giúp tăng tốc từ 0 đến 50 km/h chỉ trong 3 giây; gấp 3 lần so với các loại xe máy điện khác và phạm vi hoạt động gấp 2 lần (100 km/lần sạc pin) so với hầu hết các loại xe máy điện trên thị trường, ở cùng một mức giá. Thời gian 3 giờ cho một lần sạc đầy cũng là nhanh nhất so với các xe máy điện trên thị trường”.

Ngoài ra, một lợi thế khác của Dat Bike là các dòng xe của Hãng được sản xuất trong nước, hầu hết đơn vị cung cấp linh kiện đều là nhà sản xuất địa phương. Do đó, Công ty có thể chủ động trong dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Sơn cùng đội ngũ cộng sự đã nâng năng lực sản xuất của Dat Bike từ 1 chiếc xe máy xuất xưởng mỗi tuần trong những ngày đầu lên hàng trăm chiếc mỗi tháng. Cuối năm 2020, Dat Bike khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM và hiện tại, tốc độ tăng trưởng của Dat Bike đạt 35%/tháng.

Đặc biệt, năm 2020, Bộ Giao thông – Vận tải đã công nhận Dat Bike Weaver là xe máy điện có xuất xứ tại Việt Nam đầu tiên. Đây cũng là mẫu xe duy nhất trên thị trường hiện nay có hiệu năng tương đương với xe máy xăng truyền thống.

Tham vọng từ thị trường xe máy 25 tỷ USD

Sau 2 năm ra mắt thị trường Việt Nam, với sự khác biệt nổi trội và những lợi thế của mình, Dat Bike đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Sơn cho hay, Dat Bike vừa huy động thành công 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn preSeries A do Quỹ đầu tư

mạo hiểm Jungle Ventures dẫn đầu, với sự tham gia của Wavemaker Partners, Hustle Fund và iSeed Ventures.

Jungle Ventures là công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp, start-up đang trong giai đoạn đầu đến giai đoạn tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Với trọng tâm là xây dựng các doanh nghiệp phát triển bền vững, Jungle Ventures đã và đang hợp tác với các nhà sáng lập nhiều hoài bão nhất trong khu vực để xây dựng các doanh nghiệp công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao, sử dụng vốn hiệu quả, có tiềm năng mở rộng quy mô thành các công ty hàng đầu khu vực hoặc toàn cầu.

Nguồn vốn 2,6 triệu USD được “rót” từ Jungle Ventures và các quỹ đầu tư cho phép Sơn và các cộng sự tiếp tục sáng tạo và phát triển ra những chiếc xe máy điện hoàn thiện nhất dành cho người dùng khu vực Đông Nam Á và cả thế giới thông qua việc đầu tư mở rộng sản xuất Nhà máy Xe điện tại Bình Dương.

CEO Dat Bike tính toán, với hơn 80% hộ gia đình ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam sở hữu xe máy hai bánh, tổng số khoảng 250 triệu xe máy xăng, quy mô ngành xe máy của khu vực Đông Nam Á lên tới 25 tỷ USD. Những con số đầy tiềm năng này chính là động lực để Sơn và đội ngũ Dat Bike tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn, góp phần thúc đẩy sử dụng rộng rãi hơn các giải pháp giao thông bền vững.

Theo quan sát của Sơn, trong 3 thị trường xe máy lớn trên thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á, thì tại Trung Quốc và Ấn Độ, các nhà sản xuất xe máy nội địa đang chiếm lĩnh thị trường; riêng tại Đông Nam Á chưa có thương hiệu xe máy địa phương nào và thị trường chủ yếu do các doanh nghiệp Nhật Bản chi phối. Sơn muốn thay đổi điều này, đưa Datbike trở thành thương hiệu xe máy dẫn đầu của Đông Nam Á.

“Chúng tôi đặt tham vọng chuyển đổi được một tỷ lệ đáng kể trong 250 triệu chiếc xe máy xăng ở Đông Nam Á thành xe máy điện”, CEO Dat Bike chia sẻ.

Công nghệ nền dẫn lối

Weaver – mẫu xe chủ đạo của Dat Bike – sau hơn 1 năm ra mắt thị trường đã được thương mại hóa với tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng (doanh thu năm 2020 tăng 4.000% so với năm đầu tiên), hiện được bán với giá 39,9 triệu đồng (khoảng 1.712 USD).

Sơn nhấn mạnh, hiệu năng của xe chính là “chìa khóa” để Dat Bike có thể cạnh tranh với những dòng xe cùng phân khúc trên thị trường. Vì vậy, Dat Bike luôn chú trọng nghiên cứu và cải thiện hiệu năng của xe. Theo đánh giá của các chuyên gia, dòng sản phẩm Dat Bike Weaver có ưu điểm nổi trội là hướng tới phương tiện giao thông bền vững, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, khói thải, tiếng ồn so với xe máy truyền thống. Người dùng cũng có thể mua thêm các phụ kiện như túi đựng đồ bằng da và mũ bảo hiểm từ Dat Bike.

Thẳng thắn thừa nhận, nếu nhìn vào tỷ lệ người sử dụng xe máy điện ở Đông Nam Á (chỉ chiếm 2% trong tổng lượng xe sử dụng), thì Datbike mới đang chập chững ở những bước đầu tiên, song Sơn cũng nhấn mạnh, để chinh phục thị trường rộng lớn, thì điều quan trọng không phải đi nhanh hay chậm, mà chiến lược của nhà sản xuất mới là yếu tố quyết định.

“Dat Bike tập trung vào công nghệ lõi để phát triển mạnh trọng tâm này. Chính nhờ công nghệ, mà xe điện của Datbike đã có những lợi thế vượt trội về quãng đường di chuyển lẫn thời gian sạc pin. Khi một nhà sản xuất sở hữu công nghệ lõi đủ mạnh, thì hiệu năng của sản phẩm sẽ luôn được cải tiến để tăng ưu điểm trong vận hành”, Sơn khẳng định.

Sắp tới, Dat Bike sẽ ra phiên bản tiếp theo của Weaver. Phiên bản này có khả năng chạy 200 km, sạc đầy pin trong 2 giờ. Trong tương lai xa hơn, Dat Bike sẽ phát triển thêm nhiều mẫu mã mới để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Hải Yến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM