NGƯỜI ĐÓNG NHỮNG ĐÔI GIÀY “ĐẶC BIỆT”

Chúng ta thường thấy, giày – dép bao giờ cũng có số. Tuy nhiên, ở một xưởng giày tại thành phố Đà Nẵng, tất cả những đôi giày, dép được đóng cho khách hàng đều không có số, không có kích cỡ cố định mà dựa trên thực tế bản vẽ được nhân viên đóng giày đo vẽ từ bàn chân người bệnh. Xưởng giày này ở đâu, người đóng là ai? Mời quí vị theo dõi qua ghi nhận sau.
Đó là xưởng giày tồn tại hàng chục năm qua trong Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng (TP.Đà Nẵng), dù số bệnh nhân bị phong không còn nhiều, nhưng xưởng giày vẫn được duy trì như minh chứng cho sự quan tâm, yêu thương của các y bác sĩ, nhân viên y tế dành cho người bệnh.
Hàng chục năm nay, người thợ đóng giày tên Phạm Ánh, 57 tuổi, cùng căn phòng đặc biệt này vẫn luôn mở cửa.  Những âm thanh thân thuộc và hình ảnh hoạt động của xưởng giày cứ lặp đi lặp lại và trở thành một phần ở Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng.
Ông Phạm Ánh – TP. Đà Nẵng
“Cơ bản tôi là thợ sửa chữa điện nước, công việc đặc thù của bệnh viện liên quan đến bệnh nhân phong nên đa số họ chân tay của họ không được bình thường như những người ngoài xã hội. Vì thế, giày dép của họ đóng rất là khó, chân bị biến dạng, từ đó bệnh viện cử tôi đi học nghề đóng giày để hỗ trợ bệnh nhân tại địa phương.”
Ông Ánh là người thợ đóng giày cho bệnh nhân phong suốt 20 năm nay. Để đóng được những đôi giày “có một không hai” này, ông Ánh có 3 tháng học việc ở Bệnh viện Phong – Da liễu trung ương Quy Hòa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Khi “tốt nghiệp”, ông được cấp chứng chỉ kỹ thuật viên đóng giày cho bệnh nhân phong.
Ông Ánh kể, có những đôi giày ông đóng phải mất hàng tháng trời, nhưng khi đóng xong thì không vừa chân do tình trạng bệnh của khách hàng thay đổi, chân có những điểm cụt mới hoặc co hẹp lại.
Ông Phạm Ánh – TP. Đà Nẵng
“Đóng một đôi giày thì tầm 2 tháng mới trả cho họ được, tại vì mình phải làm theo giày, rồi đi trả cũng phải theo đợt đi trả cho họ, một đôi giày làm tầm cỡ 3 tiếng đồng hồ, có chân thì còn tốt, có chân thì tụt, biến dạng, cong queo, phải thiết kế hai chiếc khác nhau”.
Bác sĩ Võ Doãn Tuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng
“Thực ra thì việc đóng giày này nằm trong công tác loại trừ bệnh phong, tuy nhiên đội ngũ chống phong của bệnh viện kết hợp với các trung tâm y tế thường rà soát những nhu cầu của người bệnh để xem thử trong quá trình sinh hoạt chân của họ mắc phải thương tật, khuyết điểm chỗ nào. Dựa trên đó chúng tôi đo chân để làm, công tác này rất khó khăn khi phải đi tới nhà đo, có những người không phải lúc nào cũng ở nhà. Dù sao đây cũng là công việc có yếu tố xã hội, chúng tôi đặt vấn đề xã hội lên trên hết, dù đóng giày nhưng làm sao để cho họ cảm thấy có một đôi chân thật đẹp, như người bình thường để họ an tâm trong cuộc sống thường ngày, hòa nhập với xã hội”.
Không chỉ làm việc ở bệnh viện, ông Phạm Ánh còn theo đoàn công tác của bệnh viện đến tận nhà của các bệnh nhân phong. Có nhiều bệnh nhân ông Ánh làm giày dép cho họ cả mấy chục năm nên khổ chân, kích thước cũng như thói quen, sở thích của họ… được ông ghi đều đặn trong từng cuốn sổ.
Bà N.T.L.- Bệnh nhân
“Tôi đi lại rất khó khăn, khi ra chợ mua dép thì họ kêu mang đôi dép chi mà cỡ nào cũng không vừa. Vì cái chân mình nó cấn mất rồi, cho nên khi được đóng giày thì cái chân mình đi nó thoải mái, không sợ sệt gì hết, chỉ cần mang quai hậu vào là đi thôi”.
Với người bệnh phong, có được đôi giày hợp với mình không phải là làm đẹp mà chính là bảo vệ sức khỏe. Còn với ông Ánh, công việc tuy thầm lặng nhưng mang nhiều ý nghĩa, bởi ngày qua ngày, ông đang góp phần mang đến niềm tin cho người bệnh./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.
Truyền Hình – Báo Tuổi Trẻ
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM