6 tháng đầu năm, gần 8.000 hộ nông dân, 15.600 nông sản lên các sàn thương mại điện tử tăng lần lượt 191% và 268% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả tích cực này nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương thông qua việc Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy các doanh nghiệp bưu chính hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử.
Báo cáo sơ kết công tác quản lý 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, tổng giá trị sản phẩm nông sản giao dịch trên sàn thương mại điện tử đạt 944 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ 2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có nông sản (vải thiều Bắc Giang) xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” qua sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp trong nước.
Nông dân Bắc Giang đưa vải thiều đi tiêu thụ. Ảnh: Giang Huy.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, vụ vải Bắc Giang đã mang đến niềm tin cho VNPost và Viettel Post khi từ một sàn nông sản nhỏ có thể phát triển thành sàn thương mại điện tử Việt Nam. “Lĩnh vực bưu chính đã tìm thấy tương lai của mình là thương mại điện tử và logistics. Thị trường này sẽ đạt 70-80 tỷ USD vào năm 2025”, ông cho biết.
Theo Bộ trưởng, chiến lược nông thôn bao vây thành thị sẽ lại một lần nữa thành công. Các công nghệ số mới, nhất là AI đã mở ra một tương lai mới cho thương mại điện tử.
Trong nửa đầu năm, toàn ngành bưu chính đạt doanh thu gần 900 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đạt trên 590 triệu bưu gửi, tăng hơn 30%. 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ chỉ đạo doanh nghiệp công nghệ phát triển các sàn thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc, thương hiệu gắn với người nông dân, đưa nông sản đến từng hộ gia đình cả nước.