Doanh nhân Bùi Quang Minh và chiến lược phủ sóng chuỗi rạp chiếu phim Beta Cinemas

Trong khi các rạp chiếu phim lớn liên tục “đóng băng” từ năm 2020 đến nay, các đơn vị phát hành phim kiệt quệ, thì chuỗi Beta Cinemas vẫn tăng độ phủ thông qua mô hình nhượng quyền (franchise).

Hiện tượng phòng vé và cơ hội vùng ven

“Bố già” do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn và “Lật mặt: 48h” của Lý Hải là hai bộ phim của điện ảnh Việt Nam đã “làm mưa làm gió” từ đầu năm đến nay. Trong đó, phim “Bố già” được xem là hiện tượng phòng vé khi đạt hơn 400 tỷ đồng doanh thu nội địa và được đem công chiếu quốc tế. Phim “Lật mặt: 48h” đổ bộ phòng vé sau 2 lần hoãn vì dịch, thu về hơn 130 tỷ đồng – cao nhất trong tất cả các phần phim “Lật mặt” trước đó.

Hai bộ phim trên đã phần nào giải tỏa cơn khát phim của khán giả và điện ảnh Việt Nam có tín hiệu hồi sinh sau dịch.

Có thể nói, số lượng phim Việt nằm trong top 10 những bộ phim có doanh thu cao nhất thị trường liên tục gia tăng. Từ năm 2016-2018, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2 phim nằm trong top này, thì đến năm 2019, con số đã là 5 phim. Đó là các phim “Cua lại vợ bầu”, “Hai Phượng”, “Mắt biếc”, “Lật mặt 4” và “Trạng Quỳnh”.

Điều đáng nói là, có tới 4 phim Việt vượt qua mức doanh thu 100 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2020, trong top 10 phim có doanh thu cao nhất thị trường cũng có tới 5 phim Việt.

Trước đây, một mô hình rạp tiêu chuẩn của Beta thường tốn ngân sách khoảng 20 – 30 tỷ đồng, thì với mô hình Beta Lite có ngân sách khoảng 5 tỷ đồng, đối tác của chúng tôi có thể phát triển một địa điểm rạp chiếu phim với 2-3 phòng chiếu tùy theo năng lực tài chính.

Để đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, đáp ứng bài toán kinh doanh và đầu tư có lãi cho từng địa điểm, chúng tôi nghiên cứu kỹ chuyện dùng vật liệu xây dựng như thế nào, dùng bao nhiêu ghế, dùng loại trang trí ra sao, máy chiếu như thế nào

Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch Beta Group

Dữ liệu của CJ CGV Việt Nam cho thấy, từ năm 2015 đến 2019, tốc độ phát triển trung bình về doanh thu của điện ảnh Việt khoảng 15% và tốc độ phát triển chung về lượt người xem là 12%. Dự báo thời gian tới, doanh thu sẽ tăng trưởng khoảng 12%/năm và số lượt người đến rạp sẽ tăng trưởng 10%/năm. Ước tính đến năm 2024, thị trường Việt Nam có thể đạt 100 triệu lượt người đến rạp và doanh thu trên 300 triệu USD, năm 2025 có thể đạt 125 triệu lượt người đến rạp xem phim.

Theo khảo sát và các bảng thống kê từ phía CJ CGV Việt Nam, điện ảnh Việt đang sở hữu nhiều ưu thế để vươn lên top trên trong các bảng xếp hạng của khu vực. Trong đó, cơ cấu khán giả, độ tuổi xem phim và tốc độ đầu tư cho chất lượng điện ảnh, sự tăng trưởng của hệ thống rạp chiếu phim trên khắp cả nước đang là những điểm cộng giúp duy trì khả năng tăng trưởng của loại hình nghệ thuật này.

So với các nước trong khu vực và trên thế giới, độ tuổi của khán giả Việt Nam đến rạp xem phim trẻ hơn rất nhiều (khoảng 80% người xem dưới 29 tuổi). Cơ cấu khán giả không chỉ tập trung tại các đô thị lớn như trước kia. Năm 2019, TP.HCM chiếm khoảng 42% thị phần về doanh thu của điện ảnh Việt. Năm 2020, thị phần của thị trường điện ảnh sôi động nhất nước này vẫn được giữ nguyên, trong khi thị phần các tỉnh đã tăng mạnh (các tỉnh phía Bắc tăng từ 9% lên 11% và các tỉnh phía Nam tăng từ 13% lên 17%).

Những dữ liệu trên là cơ sở để Beta Cinemas tiếp tục nhân rộng mô hình franchise để tận dụng tối đa nguồn lực và bảo toàn lực lượng.

“Kinh doanh rạp chiếu phim còn nhiều cơ hội, đặc biệt tại thị trường vùng ven. Chúng tôi sẽ có các phiên bản phù hợp hơn với thị trường Việt Nam”, ông Bùi Quang Minh (Minh Beta), Chủ tịch Beta Group (sở hữu chuỗi rạp Beta Cinemas) cho hay.

Tăng độ phủ thông qua franchise

Thuộc thế hệ 8X, doanh nhân Bùi Quang Minh còn nổi như cồn trong vai trò là nhạc sĩ, diễn viên. Ông bắt đầu nhảy vào kinh doanh lĩnh vực rạp chiếu phim năm 2014 với chuỗi Beta Cinemas, nhắm vào phân khúc học sinh, sinh viên và người có thu nhập tầm trung.

Năm 2020, Beta Cinemas đạt mức định giá doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng, sau khi gọi vốn 8 triệu USD từ Quỹ đầu tư Daiwa PI Partners. Trước đó, năm 2015, Beta Media đã nhận vốn đầu tư từ VIG (Vietnam Investment Group) và đến năm 2017 nhận được 2,5 triệu USD từ Tập đoàn tài chính Blue HK (Hồng Kông), với mức định giá doanh nghiệp 600 tỷ đồng.

Chiến lược tăng độ phủ thông qua franchise được ông Minh triển khai từ năm 2018, sau khi đã phát triển được 12 cụm rạp trên cả nước. Đó là thời điểm bùng nổ về các ngành dịch vụ, trong đó có chiếu phim, nhu cầu của người dân tăng cao.

Trong bối cảnh các rạp chiếu liên tục “đóng băng” từ năm 2020 đến nay, các đơn vị phát hành phim kiệt quệ, thì chuỗi rạp chiếu phim Beta Cinemas vẫn tiếp tục kế hoạch của mình. “Beta Cinemas phù hợp cho các nhà đầu tư có dòng vốn vừa phải, nhưng có tiềm năng lợi nhuận cao và khả năng hoàn vốn nhanh sau 3 năm”, ông Minh cho biết.

Mô hình franchise hiện được Beta Cinemas áp dụng thành công với 3 cụm rạp trên cả nước được khai trương vào năm 2019 và đầu năm 2020 là Phú Mỹ tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Long Thành và Long Khánh tại Đồng Nai (sắp tới có dự án tại Phú Quốc). 3 điểm này đều thuộc mô hình Beta Standard, mức đầu tư từ 4,5 đến 5 tỷ đồng/phòng chiếu. Chúng đều thuộc các khu vực quận, huyện được đánh giá thị trường tốt và nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh.

Hiện Beta Cinemas có 3 mô hình rạp để nhượng quyền khác nhau: Beta Premium là mô hình cao cấp với chi phí đầu tư 6 tỷ đồng/phòng chiếu, yêu cầu mở 3 phòng cho một cụm rạp; Beta Standard là mô hình tiêu chuẩn với chi phí 5 tỷ đồng/phòng chiếu, yêu cầu mở từ 3-5 phòng cho một cụm rạp; Beta Lite là mô hình nhẹ nhỏ phù hợp thị trường huyện lị, chi phí từ 2,5 tỷ đồng/phòng chiếu, yêu cầu 2-3 phòng cho một cụm rạp.

Như vậy, để có được quyền kinh doanh rạp chiếu phim trên, nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra từ 2,5 tỷ đồng/phòng chiếu. Theo ông Minh, đây là mức chi phí cực kỳ hợp lý được nghiên cứu kỹ, đảm bảo cho chất lượng cụm rạp đạt tiêu chuẩn.

Hơn nữa, việc mở một cụm rạp 2-3 phòng chiếu tại khu vực các huyện đang rất tiềm năng, khi nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân vẫn chưa được đáp ứng. Khách hàng tại đây luôn chịu chi từ 40.000 đến 50.000 đồng cho một vé xem phim để trải nghiệm điện ảnh và xem các bộ phim mới ra mắt như tại các thành phố lớn.

Trong tổng số lượng rạp trên cả nước, các tỉnh hiện chỉ chiếm khoảng 50%, nhưng số lượng phòng chiếu lại ít hơn Hà Nội và TP.HCM rất nhiều. Theo số liệu thống kê của Beta Cinemas trong tháng 6/2021, lượng rạp tại tỉnh rất hạn chế, các nơi như Lào Cai, Châu Đốc (An Giang)… có đời sống rất khá, đều có nhu cầu xem phim tại rạp.

Phim trực tuyến không triệt tiêu rạp chiếu phim

“Ông lớn” của ngành dịch vụ phim trực tuyến trên thế giới Netflix bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2016. Tính đến tháng 10/2018, ước tính có hơn 300.000 thuê bao sử dụng Netflix với 3 mức phí có thể lựa chọn từ 180.000 đến 260.000 đồng/tháng với phương thức thanh toán trực tiếp qua thẻ.

Netflix từng bước thâm nhập thị trường Việt, thay đổi thói quen của người sử dụng, đánh vào đối tượng khách hàng trẻ, trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với Beta Cinemas, CGV, Galaxy, BHD và các nền tảng truyền hình trả tiền khác như FPT Play, MyTV, NetTV, Fim+.

Vài con số tăng trưởng của thị trường rạp chiếu phim Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020:
– Số rạp chiếu phim tăng từ 12 lên 213 rạp, tăng 1.775%.
– Số phòng chiếu từ 90 lên 1.096 phòng, tăng 1.104%.
– Lượng khách từ 7 triệu lượt/năm lên 57 triệu lượt/năm, doanh thu từ 540 tỷ đồng lên hơn 4.147 tỷ đồng, tăng 668%.

Vì lợi nhuận khổng lồ từ lĩnh vực này, các nền tảng phim trực tuyến đã chuyển hướng từ mua phim sang tự sản xuất phim để phát độc quyền. Netflix đã chi khoảng 17 – 18 tỷ USD cho việc sản xuất nội dung trong năm 2020. Fim+ cũng đang lên kế hoạch sản xuất các bộ phim độc quyền để công chiếu trên nền tảng trực tuyến…

Tuy nhiên, theo thống kê, tài khoản Netflix ở Việt Nam chỉ xem đi xem lại được 528 phim truyện và 186 phim truyền hình. Kho phim Netflix xem từ các nước Đông Nam Á chỉ hơn 500 phim, trong đó Singapore chỉ được 489 phim, Netflix ở Lào chỉ có 206 phim. Trong khi đó, Netflix Mỹ xem được 4.091 phim, Netflix ở Canada lại xem được 2.942 phim. Nền tảng này áp dụng chiến thuật thu hút khách hàng thuê bao mới khi mở hết cho mọi thị trường các loại phim tự sản xuất (Netflix Originals).

Mặc dù vậy, ông chủ chuỗi Beta Cinemas cho rằng, nhu cầu xem phim rạp và nhu cầu giải trí bằng các nền tảng trực tuyến sẽ không loại trừ nhau. Việc ra rạp và xem phim là trải nghiệm xã hội. Mọi người có nhu cầu đi ra ngoài kết nối với nhau tại những không gian, nội dung, công nghệ và chất lượng âm thanh, hình ảnh cao.

Theo ông Minh, dư địa của thị trường Việt Nam còn lớn vì đa số người dân ở những địa phương xa chưa có dịp tiếp cận với trải nghiệm điện ảnh đúng nghĩa. Sau đại dịch, ngành chiếu phim sẽ hồi phục rất nhanh, những kỷ lục sẽ tiếp tục được thiết lập. Beta sẵn sàng trong tâm thế để có thể tận hưởng sức bật đó.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM