UNIQLO và những bài học Marketing chiến lược hiệu quả
UNIQLO hiện đang là thương hiệu bán lẻ quần áo lớn nhất Châu Á, chỉ xếp sau các “đại gia” khác trong ngành như Zara, H&M và Gap.
UNIQLO đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng như vậy bằng cách nào?
1. Rõ ràng và khác biệt – nổi bật so với đối thủ
Tầm nhìn của UNIQLO rất đơn giản: “Phát triển sản phẩm có chất lượng đặc biệt cao”.
UNIQLO tập trung phân phối các mẫu quần áo cơ bản, với khả năng giúp ích cho cuộc sống đến tất cả mọi người. Với cam kết giá rẻ nhưng chất lượng vải cao, sản phẩm UNIQLO luôn được sản xuất hàng loạt, tập trung vào các mẫu mã tối giản mà mọi khách hàng đều có nhu cầu sử dụng.
Hầu hết thương hiệu thời trang đều liên tục tiến hành nghiên cứu thị trường để tìm ra các xu hướng mới nhất, còn UNIQLO thì không.
Giám đốc Điều hành UNIQLO, ông Tadashi Yanai cho biết: “Chúng tôi không theo đuổi xu hướng. Mọi người lầm tưởng UNIQLO là một thương hiệu thời trang nhanh. Nhưng không. UNIQLO là về quần áo dành cho tất cả mọi người”.
2. Sáng tạo không ngừng
Thay vì chạy theo xu hướng thời trang, UNIQLO tập trung vào nghiên cứu và phát triển, không ngừng cải tiến thương hiệu của mình.
Các công nghệ “làm mưa làm gió” của UNIQLO bao gồm: HeatTech, AIRism, Lifewear… luôn được thế hệ trẻ yêu thích và săn đón mỗi năm.
Và điều đặc biệt là UNIQLO không bao giờ “ngủ quên trên chiến thắng”. Khi HeatTeach ra đời vào năm 2003, 1,5 triệu sản phẩm đã được bán ra. Với những cải tiến không ngừng, vào năm 2012, 130 triệu sản phẩm HeatTeach đã được tiêu thụ, với sức hấp dẫn cao hơn nhiều so với lúc vừa ra mắt.
3. Trải nghiệm bên trong cửa hiệu
UNIQLO tự hào áp dụng khái niệm “kaizen”, không ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo và áp dụng vào trải nghiệm tại từng cửa hàng.
Nhân viên UNIQLO trải qua quá trình đào tạo tỉ mỉ. Công việc của họ được giám sát và ghi chép chặt chẽ, thêm vào đó, hiệu suất làm việc cũng thường xuyên được đánh giá.
Nhân viên UNIQLO phải sử dụng các kỹ thuật sắp xếp chuẩn, trả lại thẻ tín dụng hoặc tiền bằng cả hai tay một cách lịch sự, đồng thời phải chào đón và hỗ trợ tất cả khách hàng bước vào.
Trên thực tế, Trường Đại học UNIQLO đã được xây dựng ở Tokyo, nhằm đào tạo 1.500 quản lý bán hàng mỗi năm.
4. “Xâm nhập” thị trường qua chương trình Đại sứ Toàn cầu
UNIQLO tài trợ cho các vận động viên đẳng cấp thế giới thông qua chương trình Đại sứ Toàn cầu. như vào năm 2012, Novak Djokovic, tay vợt chuyên nghiệp số 1 thế giới được bầu làm đại sứ thương hiệu UNIQLO.
Djokovic không chỉ cam kết tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của mọi người và đóng góp cho xã hội, mà còn mở đường cho việc mở rộng sang Châu Âu của UNIQLO.
Djokovic còn ký hợp đồng tài trợ 5 năm với thương hiệu và ra mắt trang phục UNIQLO đầu tiên của anh ấy tại Glam Slam, với hàng trăm nghìn người theo dõi trên toàn cầu.
5. Bản địa hoá và cá nhân hoá
UNIQLO hiểu rằng các thị trường luôn có văn hoá địa phương và các chuẩn mực lối sống khác nhau. Vì thế, thương hiệu này đã điều chỉnh các chiến lược truyền thông phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Chẳng hạn như việc sử dụng Twitter và Facebook để truyền thông và thu hút khách hàng Anh và Mỹ vì nghiên cứu thị trường đã chỉ ra rằng đây là hai nền tảng mà người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, nơi Facebook và Twitter bị cấm, UNIQLO đã chuyển qua sử dụng Renren, một nền tảng mạng xã hội mà người dân Trung Quốc ưa thích.
Nhân viên quản lý kênh truyền thông tại UNIQLO cũng liên tục tương tác với khách hàng, mang lại cảm giác “con người” cho các hoạt động quảng cáo của thương hiệu, khiến khách hàng cảm thấy thoải mái và thân thuộc hơn.
Tiêu biểu là việc Arielle Dyda – Giám đốc Thương mại điện tử UNIQLO, đã liên tục khai thác lượng độc giả trực tuyến khổng lồ thông qua Reddit, liên tục đăng tải các bài viết trên tài khoản cá nhân, với mục đích quảng cáo thương hiệu.