Tim Cook và hành trình 10 năm tại Apple

Ngày 24/8/2011, Tim Cook được bổ nhiệm trở thành giám đốc điều hành mới của Apple. Kể từ đó, công ty đã có rất nhiều thay đổi và định hướng phát triển khác với trước đây.
Trong 10 năm qua, Tim Cook đã dẫn dắt Apple trở thành công ty công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những công ty có tầm ảnh hưởng mạnh nhất toàn cầu.
Hơn một tỷ người dùng trên thế giới đang sử dụng các thiết bị của hãng. Thậm chí, hàng chục triệu nhà phát triển đang xây dựng doanh nghiệp nhờ vào việc tạo ra phần mềm cho các sản phẩm của Apple.
Tim Cook xây dựng đế chế Apple ra sao?
Tim Cook tiếp quản vị trí CEO từ Steve Jobs vào ngày 24/8/2011, chưa đầy 2 tháng sau khi nhà sáng lập Apple qua đời. Kể từ thời điểm đó đến nay, vốn hóa thị trường của Apple đã tăng khoảng 600%, lên gần 2.500 tỷ USD và doanh thu hàng năm tăng hơn gấp đôi.
Tim Cook và hành trình 10 năm tại Apple - Ảnh 1.

Tim Cook tiếp quản vị trí CEO từ Steve Jobs vào ngày 24/8/2011.

Steve Jobs được biết đến với khả năng sáng tạo ra những thiết bị đột phá, giúp định hình lại trải nghiệm công nghệ của người dùng. Trong khi đó, Tim Cook lại được xem là người đã giúp Apple mở rộng hệ sinh thái, phát triển hàng loạt dịch vụ xung quanh các thiết bị phần cứng của hãng.
Dưới thời của Cook, Apple từ một nhà sản xuất thiết bị cao cấp dần trở thành công ty đa lĩnh vực với hàng loạt mảng kinh doanh từ dịch vụ thanh toán đến làm phim và truyền hình.
Ông cũng là người trực tiếp giám sát việc Apple mua lại hơn 100 công ty, bao gồm cả những thương vụ lớn như mua lại Beats với giá 3 tỷ USD vào năm 2014 hay mua lại mảng kinh doanh modem điện thoại thông minh của Intel với giá một tỷ USD vào năm 2019.
Bên cạnh những thành công đạt được, CEO của Apple cũng từng chịu nhiều chỉ trích, điển hình như vụ việc công ty bị kiện vì âm thầm làm giảm hiệu năng iPhone đời cũ hay các cáo buộc liên quan đến điều kiện lao động kém tại các nhà cung cấp linh kiện của hãng.
Ngoài ra, Tim Cook cũng phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Apple như ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hay gần đây nhất là sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Theo CNN, những gì Tim Cook chưa làm được là tung ra một sản phẩm mang tính đột phá và thành công giống như iPhone. Tuy nhiên, ông lại tìm ra cách để Apple tiếp tục phát triển mà không cần đến điều đó.
“Có thể nói, việc Tim Cook tiếp quản vị trí CEO từ Steve Jobs là một sự chuyển giao thành công nhất trong lịch sử kinh doanh. Đối với Apple thời điểm đó, công ty cần một người có thể duy trì đế chế giống như Tim Cook, không phải là một người xây dựng đế chế”, Mike Bailey, giám đốc nghiên cứu của FBB Capital Partners nhận định.
Tập trung phát triển mảng dịch vụ
Một tháng sau khi nhậm chức CEO, Tim Cook đã công bố sự ra mắt của iPhone 4S. Kể từ đó, Apple đã phát hành thêm gần 20 phiên bản iPhone với nhiều mức giá khác nhau, cùng với đó là hàng loạt thế hệ iPad, Mac và MacBook. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến hai dòng sản phẩm thành công nhất của hãng trong thời gian gần đây là Apple Watch ra mắt năm 2015 và AirPods năm 2016.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả mà Apple đã làm được là xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ xung quanh các sản phẩm phần cứng của công ty.
Tim Cook và hành trình 10 năm tại Apple - Ảnh 2.

Việc tập trung phát triển dịch vụ đã giúp cho hoạt động kinh doanh của công ty giảm bớt sự phụ thuộc vào iPhone.

“Nếu chỉ nhìn vào các thiết bị phần cứng, sản phẩm của Apple không có nhiều sự khác biệt và mang tính cách mạng so với các đối thủ khác trên thị trường. Tuy nhiên, Apple đã rất thành công trong việc xây dựng một hệ sinh thái xung quanh các sản phẩm của họ”, nhà phân tích D.A. Davidson từ Tom Forte nhận định.
Ngay những năm đầu tiên trong nhiệm kỳ, Apple đã tạo ra doanh thu đáng kể từ mảng kinh doanh dịch vụ của công ty, bao gồm iCloud ra mắt tháng 10/2011, Apple Podcasts ra mắt năm 2012, Apple Music năm 2015. Tháng 1/2016, Apple lần đầu tiết lộ rằng họ đã đạt doanh thu 20 tỷ USD từ mảng kinh doanh dịch vụ trong năm trước đó.
Kể từ đó, Apple liên tục phát triển hàng loạt dịch vụ khác như Apple Arcade, Apple TV+ và Apple Fitness+. Các gói đăng ký dịch vụ này tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh của hãng tiến xa hơn. Trong năm tài chính 2020, công ty đã tạo ra gần 53,8 tỷ USD doanh thu từ mảng dịch vụ, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của công ty.
Trên thực tế, Apple vẫn thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh các sản phẩm phần cứng như iPhone. Tuy nhiên, việc tập trung phát triển dịch vụ đã giúp cho hoạt động kinh doanh của công ty giảm bớt sự phụ thuộc vào iPhone. Điều này cũng giúp cho Tim Cook có thể bù đắp sự tăng trưởng chậm lại của iPhone trong vài năm trở lại đây.
Tuấn Anh/TH
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM