Nike và chiến lược tăng doanh thu số trong thời kỳ đại dịch

Chiến lược chuyển đổi số của Nike không chỉ dừng lại ở việc tung ra một website hay một ứng dụng để bạn mua sắm khi rảnh rỗi – mà thương hiệu này còn đang biến trải nghiệm mua sắm kỹ thuật số thành một phong cách sống, biến các ứng dụng di động trở thành một trung tâm nơi quy tụ những tín đồ Nike trên khắp thế giới.
Bộ ứng dụng của Nike nhấn mạnh vào triết lý của thương hiệu trong việc tiếp cận tới người tiêu dùng, đồng thời giúp Nike thu thập dữ liệu về thói quen mua hàng, các thông tin cá nhân và thói quen tập thể dục của người dùng, từ đó cung cấp thông tin cho các hoạt động marketing trong tương lai. 
Các ứng dụng di động của Nike chính là một phần nỗ lực quan trọng giúp gã khổng lồ ngành thời trang thể thao này thúc đẩy doanh thu mạnh mẽ trong thời kỳ dịch bệnh, đặc biệt là tăng trưởng trong doanh số bán hàng theo mô hình DTC. Những ứng dụng đó khuyến khích mọi người tham gia vào một loạt hoạt động được thiết kế theo dạng trò chơi dễ tiếp cận, nhằm duy trì lòng trung thành, củng cố thông điệp thương hiệu và thúc đẩy doanh số bán hàng.
Khi thói quen chi tiêu của người dùng thay đổi, họ chi tiêu nhiều hơn khi ở nhà và tránh xa các cửa hàng offline vì lo lắng tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, các thương hiệu bán lẻ quan trọng như Nike đã buộc phải thay đổi chiến lược bán hàng của họ. Điều may mắn đó là nhu cầu của người tiêu dùng đối với quần áo vẫn không giảm đi quá nhiều. Họ vẫn đang mua sắm các loại trang phục, đặc biệt là quần áo thể thao và các bộ quần áo thoải mái khác để làm việc tại nhà – nhưng họ chủ yếu mua qua các website di động, các ứng dụng mua sắm và các tính năng thương mại điện tử trên mạng xã hội.
Vậy nên có thể nói, việc Nike đầu tư vào các website và ứng dụng di động là điều đúng đắn. Báo cáo thu nhập của Nike cho thấy, doanh thu kỹ thuật số của thương hiệu đã tăng 84% trong quý, tính đến hết ngày 30/11/2020. Mặc dù Nike không cung cấp số liệu chính xác, nhưng hãng đã báo cáo tổng doanh thu đã tăng 9% lên 11,2 tỷ USD. Công ty dự báo rằng, doanh số bán hàng kỹ thuật số sẽ chiếm khoảng một nửa tổng doanh thu trong tương lai gần.
“Kỹ thuật số được xem là “điều bình thường mới” trong hành vi tiêu dùng của người dân hiện nay và chúng tôi tin rằng các xu hướng mà chúng tôi đang thấy vẫn sẽ tồn tại ngay cả khi dịch bệnh kết thúc”, John Donahoe, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Nike, cho biết trong một cuộc gọi thảo luận về kết quả tài chính vào tháng 12/2020, “Người tiêu dùng muốn có được những gì họ muốn, biết được khi nào họ muốn và muốn như thế nào.”
Bộ ứng dụng của Nike nhấn mạnh triết lý của thương hiệu này về khả năng tiếp cận với người tiêu dùng, đồng thời giúp Nike thu thập dữ liệu về thói quen mua hàng, các thông tin cá nhân và thói quen tập thể dục của người dùng, từ đó cung cấp thông tin cho các sáng kiến marketing trong tương lai. 
Báo cáo cho thấy, ứng dụng Nike xếp hạng thứ 12 trong số các ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất trên App Store năm 2020, cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các nội dung có giá trị và các tính năng thương mại được cá nhân hóa. Người dùng có thể truy cập sớm vào các đợt giảm giá, khuyến mãi sản phẩm và trò chuyện với các chuyên gia của Nike để được tư vấn về phong cách ăn mặc. 
(Ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, ứng dụng Nike SNKRS còn là nơi quy tụ của các “sneakerhead” và những tín đồ đam mê thương hiệu cuồng nhiệt. Có thể nói, việc tạo ra được một cộng đồng những người có cùng đam mê, sở thích là bài toán đau đầu của bất kỳ thương hiệu nào. Nắm trong tay được cộng đồng, nghĩa là bạn điều khiển được nhiều thứ. Và Nike đã làm được điều đó với Nike SNKRS. Ứng dụng này là nơi Nike lắng nghe người tiêu dùng, mang đến cho họ cơ hội được góp ý, tham gia trực tiếp vào các bản thiết kế giày sneaker phiên bản giới hạn, sau đó chia sẻ trong cộng đồng những người hâm mộ Nike, với sự hỗ trợ của các tính năng tương tác khác có trong ứng dụng. 
Nike mang đến cho người tiêu dùng cơ hội được góp ý, tham gia trực tiếp vào các bản thiết kế giày sneaker phiên bản giới hạn (Ảnh: Internet)
Những trải nghiệm số đó đã góp phần bổ sung hoặc thậm chí là thay thế tạm thời cho các trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, vốn dĩ là một phần quan trọng trong quá trình phát triển thương hiệu của Nike trước đại dịch. Khi số lượng người mua sắm tại cửa hàng ít đi, nỗ lực xây dựng các chiến lược bán hàng hấp dẫn tại cửa hàng đã trở thành mục tiêu phụ của thương hiệu này, thay vào đó sẽ là các kênh bán hàng trực tuyến như website và ứng dụng Nike. 
Will Crocker Hay, Phó chủ tịch bộ phận Tiếp thị khách hàng và đối tác tại Braze, một nhà cung cấp phần mềm giúp thu hút sự tương tác của khách hàng cho biết: “Tất cả giá trị thương hiệu hiện có của tất cả các nhà bán lẻ lớn truyền thống này đã giảm đi khá nhiều kể từ khi không còn nhiều người ghé thăm cửa hàng và mua hàng trực tiếp nữa. Mọi người không đi qua các cửa hàng, thăm thú và mua hàng nữa.”
Agency AKQA, công ty đã hợp tác với Nike trong các chiến dịch quảng cáo, pop-up store và ứng dụng Nike Training Club đã từ chối bình luận về câu chuyện này.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM