Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khai trương Trung tâm Học tập và Sáng tạo cơ sở Hà Nội

Ngày 15/7, lễ khai trương Trung tâm Học tập và Sáng tạo cơ sở Hà Nội của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã diễn ra tại cơ sở 21 Cát Linh. Đây là một trong những bước đi mạnh mẽ trong chiến lược quản trị nhân sự sáng tạo và thông minh hơn của MB, sẵn sàng cho chiến lược phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2022 – 2026.

Trung tâm có bốn không gian chính, bao gồm: Phòng đào tạo, phòng tư duy, phòng sản xuất bài giảng trực tiếp và phòng lab, phục vụ cho nhiều mục đích đào tạo khác nhau. Với diện tích gần 1.000 m2, đa dạng các phòng học… được đầu tư trang thiết bị hỗ trợ học tập hiện đại và được coi là không gian đào tạo quy mô bậc nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam.

Điểm nổi bật của các phòng đào tạo là hệ thống âm thanh đồng bộ, màn hình tương tác đa chức năng, thay thế cho toàn bộ các công cụ truyền thống như máy chiếu, flip chart, bảng viết. Các nội dung học, ghi chú được lưu trữ và dễ dàng chuyển lại cho các học viên, máy tính học viên và máy giảng viên được kết nối với nhau qua phần mềm quản lý lớp học, giảng viên có thể quan sát và hỗ trợ học viên kịp thời trong quá trình thực hành thao tác phần mềm. Trong khi đó, phòng tư duy là khu vực không gian riêng yên tĩnh, tạo điều kiện cho các hoạt động brain storming nhóm nhỏ, học viên có thể thỏa sức sáng tạo, tìm ra những ý tưởng, giải phá đột phá.

Đào tạo nguồn lực nội bộ - Chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số của MB -0
 
Đào tạo nguồn lực nội bộ - Chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số của MB -1
 

Bên cạnh đó, với những thiết bị chuyên dụng, hiện đại như hệ thống thu âm, máy quay, ánh sáng… phòng sản xuất bài giảng trực tuyến là nơi những nội dung học trực tuyến chất lượng cao được ra đời. Cùng với đó là phòng lab – không gian được trang bị hệ thống cấu hình cao cùng đầy đủ các phần mềm nội bộ, là trợ thủ đắc lực giúp các học viên làm quen với toàn bộ hệ thống phần mềm phục vụ công việc.

“Yếu tố con người là nền tảng số một và là yếu tố quyết định”. Đó là khẳng định của Thượng tướng Lê Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB về vai trò của đào tạo đối với chiến lược riêng của MB cũng như công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Theo đuổi nhiều mục tiêu tham vọng đòi hỏi MB phải xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, vừa hiểu biết về nghiệp vụ tài chính – ngân hàng, vừa tinh thông công nghệ, đáp ứng nhu cầu xây dựng tập đoàn trở thành ngân hàng số với nhiều mô hình kinh doanh mới khác nhau. Đồng thời, góp sức vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Trong thời gian qua, MB ngày càng tăng hàm lượng của các chương trình cung cấp kiến thức, kỹ năng mới để cán bộ nhân viên sẵn sàng, vững vàng với công cuộc chuyển dịch số của ngân hàng, có thể kể đến là phương pháp làm việc Agile, Design Thinking, Kỹ năng phân tích dữ liệu… Các nội dung học tập được truyền tải thông qua những phương thức Learning & Development (Học tập và phát triển) tiên tiến trên thế giới như Microlearning, Gamification, tăng tính hấp dẫn và thuận tiện đối với học viên.

Với phương châm “Học tập thông minh, học tập để dẫn đầu” (Learn Smart, Learn to Lead), đầu năm 2020, cơ sở vật chất đầu tiên của Trung tâm Học tập và Sáng tạo MB tại TP Hồ Chí Minh đã chính thức đi vào hoạt động. Việc hoàn thiện thêm cơ sở tại Hà Nội thể hiện quyết tâm của ngân hàng này trong phát triển nguồn lực nội bộ, triển khai chiến lược giai đoạn 2017 – 2021, chuẩn bị chiến lược giai đoạn 2022 – 2026. Từ đó, hiện thức hóa mục tiêu trở thành ngân hàng thuận tiện nhất với khách hàng, dẫn đầu về ngân hàng số tại Việt Nam.

Hà phương/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM