Kinh doanh thời trang xa xỉ second-hand

Từ một ý tưởng bị nhiều người chê là “rẻ tiền”, nữ doanh nhân Fanny Moizant đã biến kinh doanh thời trang xa xỉ đã qua sử dụng thành ngành hốt bạc.

Theo thống kê về mặt hàng thời trang xa xỉ, năm 2020 trang web bán lại đồ xa xỉ Vestiaire Collective tạo nên hiệu ứng cực kỳ tốt khi đã chứng kiến ​​lượng đặt hàng tăng gấp đôi  – phần lớn nhờ vào thị trường châu Á, nơi số lượng người bán mới tăng đến 98%. 
Kinh doanh thời trang xa xỉ second-hand, từ ý tưởng rẻ tiền thành đế chế tỷ đô
Một nhân viên đang xác thực một sản phẩm Louis Vuitton đã qua sử dụng cho Vestiaire Collective. Người tiêu dùng ở châu Á cuối cùng cũng bắt đầu có ý tưởng mua hàng xa xỉ second-hand – Ảnh: Bloomberg
Người thành lập trang web này là Fanny Moizant. Tại Mỹ và châu Âu, người phụ nữ này được ca tụng vì thành công của Vestiaire Collective, trang web chuyên bán lại đồ thời trang cao cấp của cô. Nhưng ở Hồng Kông, cô đã bị soi mói vì ý tưởng “rẻ tiền” về quần áo thời trang xa xỉ. “Nhiều người cho rằng họ không muốn liên kết với các công ty bán lại. Bởi đây không phải là điều thể hiện sự đẳng cấp và sang trọng của những người vốn từ lâu sở hữu những món đồ hay thời trang đắt tiền”, Moizant, Chủ tịch và đồng sáng lập của Vestiaire, nhớ về thời gian cô bắt đầu đẩy mạnh công ty vào năm 2017. 
Nhưng điều đó cũng dần thay đổi. Người tiêu dùng châu Á đang bắt đầu “nồng nhiệt” với Vestiaire, hiện tại là ở Hồng Kông, Singapore và Australia, tiếp theo là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng hào hứng với xu hướng này. Khối lượng đặt hàng trên trang web tăng gấp đôi trong một năm khi các nhà bán lẻ trên toàn thế giới gần như bị tê liệt vì đại dịch.
Theo Moizant, thị trường của cô phần lớn nhờ vào châu Á, nơi số lượng người bán đồ cũ  – mới tăng 98% và đơn đặt hàng tăng 122%. Đại dịch kéo theo sự bất an kinh tế nhưng lại là điều tốt cho xu hướng bán lại hàng thời trang trên toàn cầu và điều này đã đẩy ngành công nghiệp tăng giá trị 40 tỷ USD vào năm 2020.
Moizant chia sẻ, thành công của cô phần lớn nhờ những người nổi tiếng làm cho thị trường sôi động khi họ cảm thấy rằng việc sở hữu trước những sản phẩm mới hợp thời trang nhưng rồi cần phải dọn bớt đồ cũ đi để bổ sung những cái mới. Đó là một viễn cảnh khiến Moizant vui mừng. “Số lượng sản phẩm còn nằm trong tủ quần áo của người châu Á là rất lớn. Họ đã dành nhiều năm để xây dựng các bộ sưu tập hàng may mặc, túi xách, giày dép… và giờ là thời điểm để bán lại. Khu vực này sẽ tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh hơn của Vestiaire trong năm tới, từ mức dưới 10% hiện tại”, cô nói.
Vestiaire từ chối chia sẻ chi tiết về tài chính của mình cũng như doanh thu và lợi nhuận nhưng rõ ràng nó không nhỏ. Kering, chủ sở hữu của Gucci, Bottega Veneta và những ngôi nhà sang trọng khác, gần đây đã mua lại 5% cổ phần của Vestiaire, nâng mức định giá của nó lên hơn 1 tỷ USD.
Kinh doanh thời trang xa xỉ second-hand, từ ý tưởng rẻ tiền thành đế chế tỷ đô
Fanny Moizant là người đồng sáng lập Vestiaire Collective – Ảnh: Bloomberg
Trên khắp thế giới, các nền tảng bán lại trực tuyến đang thu được tài trợ và ngày càng mở rộng. Trang Poshmark có trụ sở tại Hoa Kỳ đã hướng đến Úc sau khi huy động được 277 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu năm nay. Tương tự ThredUp đã huy động được 168 triệu USD trong một đợt IPO vào tháng trước, và thậm chí Nike cũng đang bắt đầu bán lại những đôi giày đã qua sử dụng.
Ở châu Á, Moizant có thể cảm ơn sự thay đổi trong cách người mua sắm nghĩ về đồ cũ. Các công ty mới nổi đã gặt hái được nhiều thành công, đảm bảo các vòng tài trợ và sự hưởng ứng của người tiêu dùng nhất là khách hàng Trung Quốc, khi họ không thể đi du lịch nước ngoài để mua sắm thì họ đã chuyển sang các ứng dụng mua sắm đồ cũ.
“Mọi người dành quá nhiều thời gian ở nhà và họ đã dần quên tủ quần áo của mình. Sau đó, họ nhận ra rằng: tại sao tôi có quá nhiều thứ mà tôi không bao giờ mặc, và rất nhiều sản phẩm vẫn còn thẻ giá treo trên móc”, Charlene Ree, người có công ty thời trang ở Anh cho biết. Cô nói rằng bán hoặc mua đồ cũ là dấu hiệu của xu hướng mới và việc đánh giá đẳng cấp trên những mặt hàng xa xỉ cũng đang mờ dần. 
Nữ diễn viên người Singapore Fiona Xie – người đã làm việc với Vestiaire để bán 10 món đồ xa xỉ từ tủ quần áo cá nhân để làm từ thiện đã trở thành một trong số những người nổi tiếng đẩy mạnh xu hướng bán những món hàng đã qua sử dụng. “Châu Á có truyền thống thiên vị đối với đồ cũ. Bạn cảm thấy sự kỳ thị của xã hội, bạn cảm thấy giống như mình đi đến một tiệm cầm đồ. Giờ đây, có một sự bùng nổ các thông điệp tích cực trên mạng xã hội về lợi ích của các sản phẩm đã qua sử dụng, bao gồm khả năng chi trả và thân thiện với môi trường. Bạn dọn dẹp không gian tủ quần áo của mình trong khi bạn có thể mua sắm nhiều hơn ”, cô nói.
Kinh doanh thời trang xa xỉ second-hand, từ ý tưởng rẻ tiền thành đế chế tỷ đô
Một nhân viên kiểm tra và xác thực chiếc túi xách Hermès đã qua sử dụng trong nhà kho tại văn phòng Vestiaire Collective ở Hồng Kông – Ảnh: Bloomberg
Mặc dù ăn nên làm ra nhưng Fanny Moizant cho biết, đối với những mặt hàng xa xỉ thì việc chứng minh tính xác thực của sản phẩm là một thách thức lớn đối với Vestiaire. Theo số liệu gần đây nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore chiếm 2/3 lượng hàng giả toàn cầu. Chính vì thế Vestiaire phải tuyển những chuyên gia, những từ châu Âu và Mỹ để tham gia quá trình chứng minh hàng thật. “Chúng tôi phải đảm bảo mặt hàng đủ tính xác thực trước khi gửi cho người mua. Bất kỳ ai gửi sản phẩm giả mạo để bán đều bị cảnh cáo trước và sau đó bị cấm tham gia”, Fanny Moizant nói.
Fanny Moizant bật mí, chính vì thị trường mua bán sôi động nên những người mua đồ mới hiện nay cũng đã “khôn ngoan” hơn. Đó là việc họ giữ các hoá đơn như một bằng chứng mua hàng để sau này làm tính xác thực. Nhiều người nhận ra rằng hàng hóa có thể có đời thứ hai nên đã giữ gìn bao bì và biên lai ban đầu để có được giá bán lại cao hơn. 
(Theo SCMP/ Bloomberg/ Phụ Nữ TP.HCM)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM