Giới trẻ Hàn Quốc lười kết hôn, ngại sinh con

Trước áp lực của cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ Hàn Quốc đang chọn cách sống độc thân, không con cái, dẫn đến nhiều hệ quả đối với nền kinh tế hàng đầu châu Á.
I Live Alone (Tôi sống một mình) là chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng, kể về cuộc sống của các diễn viên, ca sĩ K-pop với những hoạt động đời thường như cho thú cưng ăn hoặc nấu mì ramen vào lúc nửa đêm – tất cả đều một mình.
Ngày càng nhiều người Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 chọn từ bỏ ba điều được coi là quan trọng trong cuộc đời mỗi con người: hẹn hò, kết hôn và sinh con. Họ được gọi là “thế hệ Sampo” và thường bị chỉ trích là ích kỷ.
Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc chọn sống độc thân vì sợ sức ép của cuộc sống hiện đại. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc chọn sống độc thân vì “sợ” sức ép của cuộc sống hiện đại. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Theo một báo cáo của chính phủ Hàn Quốc, những người sống một mình đã chiếm gần 40% dân số ở đất nước này. Năm ngoái, khi quốc gia này lần đầu tiên báo cáo tỷ lệ tăng trưởng dân số âm, Thứ trưởng Bộ Tài chính khi đó là Kim Yong-beom tuyên bố cột mốc quan trọng này là “nút thắt tử thần”.
Theo Văn phòng thống kê quốc gia, độ tuổi sinh con thông thường ở phụ nữ Hàn Quốc là 32. Số lần sinh trên một phụ nữ giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,84 vào năm ngoái (thấp nhất thế giới), với tỷ lệ ở Seoul là 0,64. Sự giảm dân số này đã khiến một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới phát triển chậm lại.
Mặc dù tăng trưởng GDP của Hàn Quốc năm ngoái tốt hơn nhiều nền kinh tế khác nhờ ngăn chặn hiệu quả đại dịch Covid-19 (-1%), nhưng tăng trưởng trung bình 10 năm qua chỉ đạt 2,5%, giảm mạnh so với mức 8% của giai đoạn từ 1980 đến 2000.
Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc nỗ lực đối phó với tình trạng giảm tỷ lệ sinh bằng các chính sách khuyến khích phụ nữ sinh con và được hưởng chế độ nhà trẻ miễn phí đến trợ cấp trong thời gian nghỉ thai sản. Thậm chí, các cuộc hẹn hò tập thể cho công chức được sắp xếp với hy vọng kết nối nhiều cuộc hôn nhân hơn. Tuy nhiên, không biện pháp nào trong số đó thực sự đem lại hiệu quả.
Giờ đây, chính phủ quyết định thay đổi chiến lược, chuyển trọng tâm chính sách từ đảo ngược sự suy giảm dân số đến hướng tới việc tìm cách hoà nhập với nó. Một mặt, họ vẫn tìm cách khuyến khích giới trẻ sinh con nhằm đảm bảo lực lượng lao động trong tương lai đủ lớn. Mặt khác, họ khuyến khích phụ nữ và người cao tuổi tiếp tục tham gia lực lượng lao động hoặc mở các doanh nghiệp mới.
Hồi tháng 1, một nhóm công tác đặc biệt của chính phủ về chính sách dân số đã xác định 13 vấn đề chính cần giải quyết trong năm nay, từ giải quyết lực lượng lao động sản xuất đang ngày càng thu hẹp đến giúp đỡ các thành phố nông thôn – nơi dân số đang giảm.
Na Yoon-jung, quan chức giám sát chính sách dân số của Bộ Tài chính, nhận định: “Già hoá dân số là vấn đề toàn cầu, nhưng đang diễn ra với tốc độ chóng mặt ở Hàn Quốc. Dân số lao động ngày càng thu hẹp làm suy yếu nền tảng tăng trưởng và gia tăng gánh nặng cho thanh niên”.
Theo Cơ quan thông tin việc làm Hàn Quốc, gần một nửa thành phố của đất nước có nguy cơ giảm dân số nghiêm trọng trong vòng 30 năm. Trong khi đó, một số trường đại học đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm số lượng tuyển sinh đáng kể.
Sung Won Sohn, nhà kinh tế tại Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles (Mỹ), cho biết: “Với dân số ngày càng giảm, tăng năng suất là điều quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây là cơ hội để Hàn Quốc bù đắp những tác động tiêu cực của việc dân số giảm”.
Nhưng điều này đến quá muộn đối với nhiều người Hàn Quốc. Họ phát hiện mình cần phải có việc làm sau khi nghỉ hưu để đảm bảo ổn định cuộc sống.
Hoàng Phong (Theo Bloomberg)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM