Giấc ngủ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi người.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, con người hiện nay đang ngày càng ngủ ít hơn mức cần thiết, điều này khiến chất lượng giấc ngủ cũng bị suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc có một giấc ngủ ngon và sâu là điều vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi người.
Những người ngủ đủ có xu hướng tiêu thụ ít calories hơn
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người thiếu ngủ sẽ thường có cảm giác thèm ăn hơn, đồng thời có xu hướng nạp nhiều calories vào cơ thể hơn. Điều này là do việc thiếu ngủ làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, khiến hormone thèm ăn tăng, do đó dẫn đến việc cơ thể không thể điều hòa được cảm giác thèm ăn.
Một giấc ngủ ngon giúp cải thiện sự tập trung và năng suất làm việc
Một giấc ngủ ngon đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành chức năng não, bao gồm nhận thức, sự tập trung, năng suất và hiệu suất. Nếu tình trạng thiếu ngủ kéo dài sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới não bộ.
Một nghiên cứu về các thực tập sinh y khoa đã cho thấy, khi các thực tập sinh làm việc với lịch trình kéo dài hơn 24 tiếng/ca sẽ mắc nhiều lỗi nghiêm trọng hơn 36% so với các thực tập sinh với lịch trình cho phép ngủ nhiều hơn. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy việc thiếu ngủ có tác động tiêu cực tới não tương đương với mức độ say rượu.
Mặt khác, một giấc ngủ ngon đã được chứng minh là giúp cải thiện kĩ năng giải quyết vấn đề, giúp não bộ tập trung ghi nhớ tốt hơn, không chỉ đối với trẻ em mà còn cả với người lớn.
Thiếu ngủ khiến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn
Chất lượng và thời lượng giấc ngủ ảnh hưởng mật thiết tới sức khỏe con người. Đây cũng là yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến các bệnh mãn tính, trong đó có bệnh liên quan đến tim mạch. Việc ngủ ít hơn 7-8 giờ mỗi đêm sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Giấc ngủ ngon giúp cải thiện chức năng miễn dịch
Nhiều nghiên cứu cho thấy kể cả khi bạn bị mất ngủ một chút cũng hoàn toàn có thể khiến chức năng miễn dịch bị suy giảm.
Cụ thể, trong một nghiên cứu kéo dài 2 tuần nhằm theo dõi sự phát triển của bệnh cảm lạnh thông thường, họ phát hiện ra những người ngủ ít hơn 7 tiếng/ngày có nguy cơ bị cảm lạnh cao gấp 3 lần so với những người ngủ 8 tiếng/ngày trở lên.
Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ trầm cảm
Việc liên tục bị thiếu ngủ và rối loạn giấc ngủ khiến bạn dễ mắc bệnh trầm cảm và các loại bệnh liên quan đến sức khỏe tâm lý hơn. Một thống kê cho thấy, 90% những người bị trầm cảm phàn nàn về chất lượng giấc ngủ của họ. Điều này cũng tiếp tục dẫn đến nguy cơ tự tử trong xã hội ngày nay.
Theo Healthline