Đối phó thế nào với môi trường làm việc độc hại?
Căng thẳng trong công việc là điều không thể tránh khỏi. Một chút căng thẳng giúp bạn thể hiện bản thân, tuy nhiên quá nhiều sự căng thẳng có thể khiến bạn vượt quá giới hạn chịu đựng. Nếu rơi vào một môi trường làm việc độc hại với liên tiếp những chuyện thị phi, sếp khó chịu, đồng nghiệp xấu tính… bạn có thể không tìm thấy cảm xúc hạnh phúc, bị đánh giá thấp và không có động lực với công việc của mình. Căng thẳng mãn tính có thể làm tổn hại đến lòng tự trọng, sức khỏe của bạn và thậm chí có thể khiến bạn trầm cảm.
Do đó, nếu bạn bị mắc kẹt trong một môi trường làm việc độc hại, đã đến lúc bạn phải hành động.
Kết bạn với đồng nghiệp
Chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày để làm việc, do đó công sở là ngôi nhà thứ hai. Đó là lý do khiến tình bạn với các đồng nghiệp thực sự quan trọng. Nghiên cứu được công bố trên tờ New York Times cho thấy những người có bạn thân ở văn phòng có khả năng gắn bó với công việc cao hơn gấp 7 lần. Họ cũng có mức năng suất cao hơn và sự hài lòng trong công việc cao hơn.
Nên tránh xa những người tiêu cực và nỗ lực gắn kết bản thân với những người tích cực mà bạn có thể tin tưởng. Trở thành những người bạn và hỗ trợ lẫn nhau khi mọi việc trở nên khó khăn giúp bạn thay đổi môi trường làm việc độc hại.
Trở thành người chủ động thay đổi
Bạn cần thực hiện các bước để định hình văn hóa làm việc thay vì chỉ ngồi một chỗ và để nó ảnh hưởng đến bạn.
Nếu bạn đang ở vị trí có tầm ảnh hưởng, hãy là tấm gương tích cực cho cấp dưới. Sau đó, đừng quên khen ngợi các thành viên trong nhóm của bạn khi họ đã hoàn thành công việc tốt. Mọi người thích cảm thấy được đánh giá cao cho những nỗ lực của họ. Nếu bạn ghét môi trường độc hại với những kẻ buôn chuyện, ngồi lê đôi mách, hãy dẹp bỏ những tin đồn không lành mạnh và không phát tán bất kỳ tin đồn sai sự thật nào.
Ngoài ra, bạn có thể tạo ra sự thay đổi ngay cả khi bạn không phải là người quản lý bằng cách đối xử tử tế và tôn trọng với đồng nghiệp, kể cả những người bạn không thích.
Xây dựng ranh giới rõ ràng
Điều bạn cần làm là tách bạch rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Hãy giữ sự tiêu cực trong môi trường làm việc chỉ trong phạm vi giới hạn của nơi làm việc mà thôi.
Tại văn phòng, hãy chuyên nghiệp và hoàn thành công việc. Sau giờ làm việc, hãy tắt máy và dành thời gian cho những người thân yêu và cho những sở thích cá nhân của bạn. Đừng kiểm tra email của bạn vào cuối tuần hoặc khi bạn đang nghỉ phép. Đừng làm thêm giờ trừ khi điều đó thực sự cần thiết.
Việc tạo ra ranh giới có thể làm cấp trên bực bội. Trong những tình huống như vậy, hãy chắc chắn để lên tiếng bảo vệ chính mình. Hãy nhớ rằng chúng ta dạy người khác cách đối xử với chúng ta.
Giải tỏa stress sau giờ làm
Nên tìm cách giải tỏa căng thẳng khi bạn rời văn phòng, để nó không tích tụ trong lòng bạn. Ví dụ, tập thể dục thể thao là một cách giảm căng thẳng hiệu quả. Khi bạn đổ mồ hôi, cơ thể sẽ tiết ra endorphin, là chất hóa học chống lại căng thẳng và kích hoạt cảm giác tích cực nơi bạn.
Ngoài ra, việc làm bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn cũng đều có ích. Tụ tập bạn bè, ăn một bữa ngon, chơi với thú cưng, xem một video hài hước trên YouTube có thể giúp bạn giải tỏa tâm lý.
Lập kế hoạch chiến lược nghỉ việc
Hãy tính đến nghỉ việc nếu bạn đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để cải thiện tình hình, nhưng môi trường độc hại và các tác động xấu của nó đến bạn không có gì thay đổi. Tuy nhiên, trước đó, nên dành thời gian cập nhật sơ yếu lý lịch và bắt đầu tìm kiếm việc làm mới.
Đừng ngại rời bỏ vị trí hiện tại của bạn, bởi vì sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của bạn là quan trọng nhất.
Thùy Linh (Theo Her World)