Định vị thương hiệu du lịch Tuyên Quang
Nằm ở trung tâm của vùng núi phía Bắc, Tuyên Quang sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú, đa dạng. Nhờ những lợi thế đó, Tuyên Quang đã tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mang bản sắc của địa phương. Tuy nhiên, để tạo dựng thương hiệu bền vững, Tuyên Quang cần tiếp tục tìm những sản phẩm đặc thù để định vị du lịch vùng đất này.
Sắc màu Tuyên Quang
Tuyên Quang là mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa và giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây được biết đến như là “Thủ đô khu giải phóng – Thủ đô kháng chiến”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đóng trụ sở làm việc, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái…
Không những vậy, Tuyên Quang còn được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành, mát mẻ cùng hệ thống rừng nguyên sinh được bảo tồn nghiêm ngặt, trong đó có Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt Na Hang – Lâm Bình đang được Tuyên Quang phối hợp với tỉnh Bắc Kạn lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Khu di sản thiên nhiên Na Hang (Tuyên Quang) – Ba Bể (Bắc Kạn) là Di sản thiên nhiên thế giới. Không những vậy, Tuyên Quang còn sở hữu nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh mà điển hình là Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm.
Không chỉ giàu có về tài nguyên thiên nhiên, Tuyên Quang còn sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn vô cùng hấp dẫn bởi nơi đây từng là một trong những “cái nôi” của người Việt cổ, được chứng minh qua các di chỉ khảo cổ học cùng các hiện vật được tìm thấy như các bộ hài cốt của người Việt cổ có niên đại cách ngày nay từ 12.000 – 8.000 năm tại hang Phia Vài, Phia Muôn; các lưỡi rìu, dao, mũi tên, giáo, trống… bằng đá, đồng. Cùng với đó là 560 di tích cùng hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa dạng của các dân tộc anh em được bảo tồn, phát huy giá trị…
Đi tìm sản phẩm đặc thù
Không nằm ngoài “công thức chung” của xu hướng phát triển du lịch, mỗi địa phương muốn phát triển du lịch cần phải tìm ra cho mình một sản phẩm mang tính đặc trưng, nổi bật để tạo nên thương hiệu riêng. Tuyên Quang cũng không ngoại lệ.
Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: Giai đoạn 2021 – 2025, Tuyên Quang xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, trên cơ sở đó xây dựng các đề án, quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch, tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng nhằm định vị thương hiệu du lịch Tuyên Quang như Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào; Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang – Lâm Bình; đặc biệt, Lễ hội thành Tuyên sẽ là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của tỉnh.
Đánh giá cao những sản phẩm đặc thù của Tuyên Quang, nhưng Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài cũng chỉ ra những điểm hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông, dịch vụ, công nghệ thông tin… “Tuyên Quang cần xác định việc đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm vào khu vực Na Hang – Lâm Bình để nơi đây trở thành thương hiệu riêng của tỉnh, giống như nhắc đến Quảng Ninh, người ta nói đến Hạ Long; nhắc đến Lào Cai, người ta nói tới Sapa… Công thức phát triển của Tuyên Quang trong 10 năm tới nên là 3-3-3-1, theo đó: 30% là quy hoạch lại tài nguyên thiên nhiên để xây dựng sản phẩm thu hút khách; 30% đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ; 30% phát triển công nghệ thông tin, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá; 10% còn lại là bắt kịp xu hướng du lịch trong nước và thế giới…”, ông Nguyễn Văn Tài nói.
Chung quan điểm trên, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng: Việc định vị thương hiệu sẽ đem lại sự hấp dẫn, thu hút khách đến với địa phương, từ đó mới có nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuyên Quang có thể đẩy mạnh việc xúc tiến thương hiệu du lịch với hình ảnh các mô hình du lịch cộng đồng bền vững tại Na Hang – Lâm Bình hay đẩy mạnh du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP để người dân và địa phương được hưởng lợi. Song song với đó, Tuyên Quang cũng nên hướng tới việc mời các KOL (người có sức ảnh hưởng) kết nối cùng các công ty lữ hành để xúc tiến, quảng bá thương hiệu; kêu gọi người dân, du khách và giới nghệ sĩ đóng góp các bộ ảnh, clip để quảng bá, kích thích người dân đi du lịch Tuyên Quang và thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh… Làm được như vậy, thương hiệu Tuyên Quang sẽ sớm được định vị trên bản đồ du lịch trong thời gian tới.
Hải Minh