Dạy con về tiền thế nào cho đúng

 “Có nên dùng tiền để thuê con làm việc nhà?” là câu hỏi khiến nhiều bố mẹ băn khoăn. Thậm chí có hai luồng ý kiến về việc này gây tranh cãi trong nhiều ba mẹ.
Ba mẹ đồng tình thì cho rằng, thông qua việc trả tiền công cho con làm việc nhà sẽ giúp con hiểu được giá trị của việc phải lao động mới có ăn. Con hiểu được giá trị của tiền và trân trọng tiền mà bố mẹ đã kiếm được.
Ngược lại, ba mẹ không đồng tình thì cho rằng không nên trả tiền cho việc nhà, vì vốn dĩ việc nhà là việc của chung. Ai ở trong nhà cũng có nghĩa vụ chia sẻ, không phải là ai làm giúp ai. Trả công con làm việc nhà là đang dạy con tính toán với bố mẹ, sau này không trả thì con không làm.
Mỗi một quan điểm đều có cái đúng riêng. Thực hiện như thế nào tùy thuộc vào điều kiện, nếp sinh hoạt của mỗi gia đình. Thậm chí với mỗi đứa con, với tính cách khác nhau, sẽ phải có những cách giáo dục khác nhau. Song tựu chung lại, dù là ai và điều kiện như thế nào thì ba mẹ cũng cần thiết phải dạy con về tiền bạc, vai trò và cách chi tiêu hợp lý.
Dạy con về tiền thế nào cho đúng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Dạy con tiết kiệm và để dành tiền
Để tiền trong heo đất sẽ tạo sự hồi hộp về số tiền khi khui heo. Còn để tiền trong heo bằng thủy tinh sẽ giúp cho con thấy rõ tiền tích lũy và tăng lên. “Tuần trước con có 1 tờ 50.000 đồng. Tuần này con có 2 tờ 50.000 đồng kìa”. Điều này làm cho con thích thú và mong muốn tiết kiệm.
Thỉnh thoảng, hãy để con dùng tiền từ heo đất ra để mua đồ con muốn. “Món này là ngoài danh sách nghen con gái. Con muốn mua thì con dùng 200.000 đồng từ heo của con. Mẹ sẽ hùn với con 200.000 đồng là đủ 400.000 đồng”. Chúng ta làm vậy sẽ giúp cho con biết được tiền của con, và tiền do cha mẹ cho, giúp cho con biết quý đồng tiền hơn.
Dạy con về sự đánh đổi
“Nếu con mua trò chơi này thì năm sau con mới có thể mua giày “. Con cần học cách cân đo sự quan trọng của các món đồ để ra quyết định. Hãy hỏi lại con “Con thích game này thật hả? Con không thích đôi giày nữa hả. Con suy nghĩ kỹ chưa nè?”. Không chỉ trong tiền bạc, mà chúng ta hãy luôn dạy con về sự đánh đổi, về sự lựa chọn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Con chọn A thì không có B. Mà chọn B thì không có A”.
Không nên cho trẻ sử dụng nhiều tiền
Nhà giáo dục nổi tiếng của Đức, – Karl Witte từng phản đối việc trao quá nhiều tiền cho trẻ em. “Nếu bạn để con sở hữu tiền dễ dàng sẽ khiến đứa trẻ có thói quen phụ thuộc”.
Theo vị tiến sĩ này, nhiều cha mẹ tin rằng trẻ em chỉ cần học tập tốt, và không nên đề cập tới tiền bạc với con trẻ “Vì chúng còn nhỏ, chưa cần biết đến cách tiêu tiền” – họ nói với nhau. Tuy nhiên, Karl Witte khẳng định, cha mẹ càng sớm nói chuyện với con về tiền càng tốt, để trẻ biết rằng kiếm tiền thật khó. Trẻ cũng có trách nhiệm giúp gia đình chia sẻ áp lực tài chính.
“Nói về tiền với trẻ thực chất là dạy chúng chịu trách nhiệm, học cách lựa chọn và kiểm soát cuộc đời trẻ sau này”, ông khẳng định.
Dạy con biết “cho đi”, biết làm từ thiện, hướng về điều tốt đẹp
Ba mẹ có thể dẫn con cùng tham gia các chương trình từ thiện, hoặc hướng cho con tổ chức từ thiện cùng bạn bè. Tiền cho từ thiện phải là tiền do con làm ra hoặc tiết kiệm được. Và dạy cho con sự cảm thông với người khác. Dạy cho con cảm nhận sự hạnh phúc của người “cho đi”. “Con cho như vậy là con cảm thấy hạnh phúc, vì con giúp được người khác, và con sẽ cảm nhận giá trị của những đồng tiền con làm ra, con sẽ cảm nhận hạnh phúc khi con trao đi cho người khác”.
Phương Nghi (t/h)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM