Chuyện tình cây cô đơn tại Biển hồ Pleiku

Truyền thuyết dân tộc Jrai kể rằng: “Khi xưa Ia Nueng (Biển Hồ), là bến nước uống chung của làng người Jrai. Nước ở bến Ia Nueng rất xanh trong, soi rõ mặt người. Một hôm, trên đường đi đến bến Ia Nueng để lấy nước, có hai người dân trong làng là Yă Pôm và Yă Chao phát hiện một con heo trắng rất đẹp. Yă Chao đã bắt con lợn trắng xinh đẹp kia về nuôi ở nhà mình. Hằng ngày, Yă Chao chăm sóc cho lợn trắng đủ thức ăn ngon nhưng chú lợn con không ăn gì cả. Một lần Yă Chao mang những chiếc bầu đi lấy nước ở Ia Nueng về dính những hạt cát trắng thì bỗng nhiên chú lợn con đã liếm hết những hạt cát một cách ngon lành. Sửng sốt trước hiện tượng lạ, sau này Yă Chao cứ đi lấy cát trắng về cho chú lợn ăn và lớn nhanh như thổi. Sau 3 lần trăng tròn, chú lợn trắng lớn bằng con trâu to và khiến cả dân làng ngạc nhiên.
Khi ấy dân làng làm nhà rông mới và sai người trong làng đi tìm một con lợn thật to để cúng Yàng và làm lễ ăn mừng. Sau khi sai người đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không lấy đâu ra con lợn to như già làng mong muốn nên trở về nhà Yă Chao xin bắt con lợn trắng này  để làm thịt. Yă Chao kiên quyết từ chối, dù có đổi bao nhiêu tài sản của dân làng cũng không chịu. Nhưng cuối cùng dân làng đã quyết cử hai người to khỏe đến bắt cho bằng được con lợn trắng về làm thịt cúng Yàng và chia đều thịt cho các gia đình trong làng để ăn mừng. Riêng Yă Chao không nhận thịt và thề rằng:” Nếu tôi ăn thịt này thì đất sẽ động, Ia Nueng sẽ sụp lở”. Nhưng đứa cháu của Yă Chao thấy thịt ngon đòi ăn và khóc cả ngày đêm nên bà không cầm được lòng mà phải cho đứa cháu ăn thịt lợn trắng. Bỗng chốc, trời đất, núi rừng rung chuyển, nhà cửa ngả nghiêng, vùi lấp cả dân làng. Hai bà cháu Yă Chao chạy nhưng không kịp nên bị nước nhấn chìm biến thành tượng đá dưới đáy hồ…Ba miệng núi lửa sau trận động đất biến thành Hồ mang tên Tơ Nưng là một kỷ niệm đau buồn chung của làng cổ đó”.
Chuyện tình cây cô đơn
Biển Hồ – nguyên là miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm, nay trở thành điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Pleiku
Già làng Hmrik làng Ia Nueng và già làng Hyuih lang  Bruk Ngol xã Biển Hồ  cho hay:  Rất may, con trai bà Ya Chao hôm ấy rủ người yêu H’ Chung lên núi Chư Pao hái măng rừng. Được tận mắt chiêm ngưỡng thân hình lực lưỡng như cây gỗ hương và nước da bánh mật của Yă Cho, tim H’ Chung đập liên hồi như muốn vỡ tung khỏi lồng ngực mới nhú như quả cây mì. Đôi má H’ Chung ửng hồng như hoa dưa gang. Bờ môi H’ Chung đỏ hệt bông hoa Pơ Lang. Chiếc xà rông của H’ Chung thi thoảng để lộ ra cặp đùi trắng tựa bột của mì. Dáng H’ Chung đi lả lướt như chim phí bay lượn. Đôi mắt H’ Chung long lanh tựa sao mai. Tóc H’Chung mềm mượt như sợi mây rừng. Từ đó, Yă Cho và H’ Chung quyến luyến nhau như đôi sóc trong rừng. Hạnh phúc vừa mới đến thì bất hạnh ập tới. Khi Yă Cho và H’ Chung đứng trên đỉnh Chư Pao nhìn về làng mình thì nghe thấy một tiếng nổ lớn như tiếng sấm đầu mùa mưa, ngọn núi rung lắc mạnh đến mức hai người không còn đứng vững được. Mây đen vẫn vũ bầu trời.  Một quả cầu lửa sáng rực phía làng Yă Cho và H’ Chung. Yă Cho và H’ Chung chạy về cạnh làng ôm cây Phun Kơ yưo H lip căn păn (cây cô đơn) khóc thương cho dân làng mình. Hai người khóc từ lúc ông mặt trời mọc trên đỉnh Chư Hdrông cho đến khi ông mặt trời đi ngủ dưới chân núi Chư Pao, khiến nước mắt chảy thành dòng suối Ia Nhing đổ về Biển Hồ.
Cây cô đơn, khi chưa có trận động đất, cành lá tốt xum xuê  tựa chiếc ô che mát mỗi khi Yă Cho và H’ Chung tâm sự. Từ khi bị ảnh hưởng trận động đất, lá trên cây cô đơn cứ rụng dần như lá mùa thu đến khi chỉ còn trơ trụi thân và cành cây. Toàn bộ linh hồn lũ làng đã nhập vào cây cô đơn. Hiện nay, cây cô đơn nằm sát mép nước Biển Hồ- nơi có tượng phật Quan Thế Âm đang trông coi và bảo  vệ linh hồn lũ làng. Từ đó, đến nay, có hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến ngắm danh thắng Biển Hồ và ngắm cây cô đơn. Thương cho số phận của hàng trăm người già, người trẻ đã trở về lòng đất mẹ cách đây hàng triệu năm và chụp hình cùng cây cô đơn để được may mắn.
Chuyện tình cây cô đơn
Khánh thành Tượng phật Quan Thế Âm do Công ty kinh doanh hàng Xuất khẩu Quang Đức hiến tặng
Theo anh Rcơm Ưn ở làng Ia Nueng, xã Biển Hồ đã từng gắn bó với Biển Hồ 38 mùa rẫy: Từ nhỏ anh đã cùng thanh, thiếu niên trong làng ra Biển Hồ tắm dưới gốc cây cô đơn. Du khách gần xa thường tới thăm và Check – in cây cô đơn để được sự may mắn. Tưởng chừng đơn giản nhưng khi lên hình lại vô cùng ảo điệu. Mang tiếng là cây cô đơn nhưng chẳng hề cô đơn chút nào vì có rất nhiều dấu chân ghé đến chụp hình cầu may. Nhạc sĩ – Nghệ sĩ Ưu tú Trương Đức Hà qua chuyện kể của hai già làng về truyền thuyết cây cô đơn, với cảm xúc của mình đã sáng tác ca khúc “Chuyện tình cây cô đơn”.
Chuyện tình cây cô đơn
Chuyện tình cây cô đơn
Giữa thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ, nơi có Tượng Phật Quan Thế Âm che chở. Rừng thông xanh ngắt “ôm “du khách vào lòng mình, hòa nhịp vào khoảnh khắc nguyên sơ của núi rừng Tây Nguyên. Đến với cây cô đơn du khách thoát khỏi thế giới phồn hoa, ồn ào và bụi bặm và hòa mình với thiên nhiên. Những chuyến píc níc phố núi Pleiku sẽ mang đến cho du khách thập phương dòng cảm xúc mới, được trải nghiệm, được khám phá truyền thuyết và hiện tại cùng với ẩm thực độc đáo gà nướng, cơm lam, rượu cần đặc sản của vùng đất đỏ ba zan huyền bí.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM