Căn hộ 245 m2 tái hiện ‘Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên’
Căn hộ thông tầng của NTK Ngô Thuý Hằng – bạn thân hoa hậu Ngọc Hân có tổng diện tích 245 m2, nằm tại TP HCM. “Từ nhỏ tôi đã mê Châu Âu và vô cùng yêu thích vẻ đẹp của những căn nhà nơi đồng quê trong phim Emily ở trang trại trăng non, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên. Vì thế, những ký ức in sâu trong tiềm thức giúp tôi có ý tưởng về không gian sống theo phong cách country house, ấm cúng, yên bình, mang tông màu baby blue mà tôi yêu thích”, NTK Ngô Thuý Hằng chia sẻ.
Chị tiết lộ căn hộ được hoàn thiện từ phần thô, mất 7 tháng thiết kế và 3,5 tháng thi công. Theo chị, phong cách country house (đồng quê) vừa dễ, vừa khó áp dụng cho không gian sống vì không rườm rà như phong cách tân cổ điển nhưng cần tới các món đồ vintage trong khi vợ chồng chị thích cả các món đồ công nghệ. Do đó, vợ chồng chị đã phải tính toán kỹ khi chọn mua đồ đạc sao cho không đánh mất tinh thần của phong cách chủ đạo. Cảm hứng của màu sắc trong căn hộ được đến từ những chiếc bánh macaron mang tông màu pastel. Trong 3 tháng, chị Hằng đã phải tìm, chọn 3 màu sơn chính: baby blue, mint queen Anne, baby rose trong hàng ngàn màu sơn cho căn hộ.
Kinh nghiệm khi hoàn thiện không gian sống của NTK là biết chấp nhận sự không hoàn hảo. Căn hộ có nhiều chi tiết, đồ đạc vì dành cho gia đình 5 người ở (hai vợ chồng và ba con nhỏ) nên đòi hỏi chủ nhà phải là người thích gọn gàng, chăm sóc nhà cửa. Tuy nhiên, chị Hằng cũng có cách để giảm áp lực dọn nhà cho mình. Chị đóng nhiều tủ kệ để lưu trữ đồ, có quy định riêng cho từng khu. Đồ chơi của các con được vợ chồng chị cho vào từng hộp riêng và cất tủ. Khi nào các bé chơi xong, bé sẽ cất gọn vào đúng vị trí. “Nhà tôi có nguyên tắc dùng xong bất cứ đồ dùng nào cũng phải để vào chỗ cũ. Việc dọn dẹp, lau chùi diễn ra hàng ngày nên nơi ở lúc nào cũng gọn gàng, sạch đẹp”, chị nói.
Vì yêu hoa nên NTK hay cắm hoa ở không gian sinh hoạt chung, tạo nên không gian sống đẹp. Nói về khó khăn khi thi công căn hộ, chị chia sẻ: “Khi nhận nhà, tôi đang có em bé thứ 3 được khoảng 4 tháng tuổi mà tính tôi tỉ mỉ nên hay ra công trình. Vì thế, mọi người trong nhà cũng lo”. Vợ chồng chị cũng gặp một vài trở ngại khác trong quá trình làm nhà nhưng chị không lấy làm buồn vì quan niệm “gặp khó ở đâu mình sửa ở đó, tìm cách giải quyết khi gặp khó thì mới vui, lại học thêm được nhiều thứ”.
Là người “nghiện nhà” chính hiệu nên chị Hằng tiết lộ: “Mỗi khi đi đâu, tôi mong nhanh nhanh trở về nơi ở, nằm nơi sofa, mở vài bản nhạc jazz trên TV, pha một ấm trà hoa và cảm nhận bao bộn bề tan hết”.
Thực tế bàn ăn là nơi đầu tiên mọi người nhìn thấy khi bước chân vào căn hộ. Khu bàn ăn được đặt nơi thông tầng thay vì phòng khách bởi vì chị muốn nơi bàn ăn rộng rãi, gợi cảm giác ấm cúng ngay khi bước vào nhà. Khu vực ăn uống có nền cao so với khu vực khác theo sở thích chủ nhà. “Tôi muốn khu đó nằm bên cạnh một chiếu nghỉ, một lối đi và là một khu vực tách biệt. Tôn nền cao cũng tạo cảm giác căn hộ rộng rãi và lung linh hơn nhờ hệ đèn chạy viền ẩn”, chị bộc bạch.
Căn hộ ở hướng Tây, có khung cảnh đẹp khi đón nắng sáng, nắng chiều.
Không gian đối diện là góc âm nhạc của vợ chồng chủ nhà.
Khu bếp cạnh bàn ăn tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt. Trong căn hộ có 3 khu bếp phục vụ cho cả gia đình và đáp ứng sở thích “chill” của hai vợ chồng. Đó là khu bếp chính; khu mini bar phòng khách phục vụ trà, coffee cùng tủ rượu vang, khu mini bar trước phòng ngủ của các bé trên lầu… Tất cả các khu bếp và mini bar này đều được vợ chồng chị lắp máy lọc nước, nước uống tại vòi tạo sự tiện lợi.
Căn bếp được chị ví von là “trái tim” của căn hộ, hiện đại với nhiều đồ được nữ chủ nhà chọn lựa trong suốt 4 tháng. Vợ chồng chị cũng tận dụng sức mạnh công nghệ như robot hút bụi, máy hút bụi, máy giặt thảm sofa… để chăm chút cho không gian sống. “Chúng tôi đóng cửa căn hộ 24/24 và dùng điều hòa, máy lọc không khí nên không gian sạch sẽ. Vợ chồng tôi thuê thêm một giúp việc dọn dẹp cùng và hàng tuần có người tới làm sạch kỹ lưỡng vào một ngày nhất định nên căn hộ lúc nào cũng như mới”, chị chia sẻ.
Một điều được chú trọng trong bếp chính là ánh sáng, giúp cho chủ nhà dễ thao tác, nấu nướng. “Tôi biết các chị em lúc làm nhà đau đầu nhất là nghiên cứu khu bếp. Điều quan trọng là bạn xác định công năng bếp, nhu cầu của mình rõ ràng thì mọi thứ sẽ khoa học và đơn giản”, chị chia sẻ.