Bí quyết lãnh đạo thành công của ông chủ Amazon
Dưới sự lãnh đạo của nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Jeff Bezos, sau 27 năm kể từ khi được thành lập vào năm 1994, Amazon từ một trang web bán sách trực tuyến đã trở thành Tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Vậy bí quyết thành công của ông chủ Amazon là gì?
Ngủ đủ 8 tiếng
Theo bài viết gần đây trên The Wall Street Journal, trong gần 3 thập kỷ lãnh đạo Amazon, tỷ phú Bezos đã đưa ra nguyên tắc cho mọi thứ, từ giấc ngủ (ngủ đủ 8 tiếng) cho đến thời điểm tốt nhất trong ngày để tổ chức cuộc họp (không trước 10 giờ sáng). Tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington hồi năm 2018, Bezos tiết lộ, ông có thói quen đi ngủ sớm, dậy sớm và lên lịch các cuộc họp quan trọng trước bữa trưa. Điều đó sẽ giúp ông đưa ra các quyết định rõ ràng và sáng suốt mỗi ngày. “Ra 3 quyết định tốt mỗi ngày là đủ với tôi rồi”, ông Bezos nói.
Lấy khách hàng làm trung tâm
Thay vì bận tâm tới việc nghĩ cách “hạ gục” các đối thủ cạnh tranh, Amazon tập trung vào khách hàng. Ông Bezos cho rằng thành công đến với Amazon vì tập đoàn này luôn cố gắng mang đến cho khách hàng những gì họ muốn.
Tỷ phú Jeff Bezos chấp nhận đối mặt với thất bại để đi tới thành công. Ảnh: Getty Images |
Ngay từ những ngày đầu thành lập Amazon, Bezos đã đặt một chiếc ghế trống trong các cuộc họp nhằm thúc đẩy mọi người luôn phải suy nghĩ về ảnh hưởng của các quyết định đến khách hàng. Và khi Bezos xem xét việc mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài mảng sách và âm nhạc, ông đã gửi email cho một nhóm ngẫu nhiên gồm 1.000 khách hàng và hỏi họ muốn mua gì trên trang web của Amazon. Dựa trên phản hồi của khách hàng, Bezos kết luận rằng có thể bán mọi thứ trên internet.
Liên tục đổi mới
Hầu hết các phát biểu của “cha đẻ” Amazon đều nhấn mạnh tới vấn đề không ngừng đổi mới. Chính điều đó đã thúc đẩy sự thống trị của Amazon trong nhiều lĩnh vực và tạo ra văn hóa làm việc hết mình trong tập đoàn này.
Vào năm 2019, Amazon được Viện Drucker thuộc Đại học Claremont Graduate ở bang California (Mỹ) bình chọn là công ty được quản lý tốt nhất ở xứ cờ hoa. Một yếu tố đã giúp Amazon vượt qua Tập đoàn Công nghệ Apple là sự tập trung cao độ của công ty vào đổi mới. Các nhà nghiên cứu của Viện Drucker nhận thấy, Amazon vượt xa các công ty khác về các đơn xin cấp bằng sáng chế, đăng ký nhãn hiệu và chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển. Amazon cũng từ bỏ các đơn đăng ký bằng sáng chế với tỷ lệ cao hơn các công ty khác. Đây là dấu hiệu cho thấy tập đoàn này sẵn sàng chuyển đổi công nghệ lỗi thời trong quá khứ. Bản thân ông Bezos cũng có tên trên hàng chục bằng sáng chế của Amazon. Đề cập đến những đổi mới của Amazon như phần đánh giá dành cho khách hàng, trợ lý ảo Alexa và tính năng mua sắm chỉ bằng một cú nhấp chuột, ông Bezos cho biết: “Sự thật là, chỉ vài năm sau khi một phát minh gây bất ngờ được công bố, những điều mới mẻ đã trở thành bình thường. Khách hàng sẽ chán ngán. Và chính sự chán ngán đó là động lực lớn nhất đối với nhà sáng chế”,
Chấp nhận thất bại
Một trong những yếu tố mang lại thành công cho ông chủ Amazon là chấp nhận thất bại. Theo quan điểm của Bezos, thất bại và thành công luôn gắn liền với nhau. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa thất bại tốt và thất bại xấu. “Khi chúng ta phát triển một sản phẩm, dịch vụ hoặc thử nghiệm mới và nó không hoạt động thì điều đó không sao cả. Đó là một thất bại có ý nghĩa”, ông Bezos khẳng định. Vị tỷ phú này cũng nói thêm: “Còn nếu chúng ta xây dựng trung tâm xử lý đơn hàng mới và đó là một thảm họa thì rõ ràng, việc thực hiện quyết định ấy là một sai lầm”.
Tổ chức cuộc họp hiệu quả
Nhà sáng lập Amazon luôn muốn các cuộc họp phải có hiệu quả. Để tạo điều kiện thuận lợi, ông yêu cầu những người thuyết trình phải chuẩn bị nội dung trình bày ra giấy, không dài quá 6 trang. Văn bản này sẽ được gửi cho tất cả những người tham gia họp đọc trước khi cuộc họp bắt đầu. Các nhân viên Amazon cho biết, họ dành nhiều tuần để hoàn thiện nội dung trình bày của mình. Quá trình này giúp ý tưởng của họ sắc bén hơn, đồng thời giúp cho quá trình thảo luận và đưa ra quyết định dễ dàng hơn.
Phớt lờ giá cổ phiếu
Bezos cho rằng quan tâm đến sự biến động giá cổ phiếu hằng ngày của Amazon là việc làm không mang lại ích lợi gì hoặc làm mất nhiều thời gian. Ông hay nói với các nhân viên của mình: “Nếu cổ phiếu của công ty tăng giá 30% trong 1 tháng thì đừng cảm thấy mình đã thông minh thêm 30%. Còn nếu cổ phiếu giảm 30%, đừng vì thế mà cần cảm thấy mình kém đi. Đừng bao giờ dành thời gian để suy nghĩ về giá cổ phiếu hằng ngày. Tôi không bao giờ làm như vậy”.
LÂM ANH