Hành trình vì lòng tự tôn cà phê Việt của Julie Đặng
Ở Việt Nam, Julie Đặng là người đầu tiên đào tạo “Cảm quan về cà phê” tại Vietnam Barista School. Mọi người thường nghĩ muốn làm cà phê chỉ cần có máy móc và kỹ thuật là đủ. Nhưng với Julie, dù máy móc và kỹ thuật tốt đến đâu cũng khó làm được cà phê thành công nếu không có cảm quan về nó.
“Nếu không học về mùi hương thì làm sao có thể làm ra một ly cà phê đẹp? Từ sự khác biệt về mùi vị, người thưởng thức cà phê có thể thấy được hành trình hạt cà phê đi từ vườn đến thành phẩm cuối cùng ra sao. Nếu đi đến cuối cùng mà cà phê vẫn giữ được vị ngọt tự nhiên, hương thơm tự nhiên, nghĩa là hạt cà phê đã qua những giai đoạn xử lý đúng cách, sản phẩm cà phê được trân trọng và nâng niu như vậy là vô cùng đáng quý”, Julie chia sẻ.
Cà phê trở thành một phần con người
Julie vốn không ấn tượng gì với cà phê – một thứ thức uống có màu đen, vị đắng bán khắp các nẻo đường Sài Gòn. Cho đến năm nhất đại học, một người bạn nước ngoài mời cô một ly espresso pha máy. “Tôi chưa từng uống một loại cà phê nào vừa béo vừa thơm một cách dễ chịu và cho năng lượng mạnh như vậy”, Julie nhớ lại.
Nghĩ một người không thích cà phê đậm đặc như mình uống được thì có lẽ nhiều người cũng thích. Thế là cô sinh viên năm nhất đại học quyết định khởi nghiệp kinh doanh bằng một chiếc xe cà phê tự thiết kế. Thời điểm năm 2007 – 2008, xe cà phê pha máy “bán rong” của Julie vẫn là mô hình còn rất mới và hiếm tại Sài Gòn. “Phi vụ” kinh doanh này ngốn cả trăm triệu đồng nhưng cho doanh thu lên rất nhanh. Tuy nhiên, Julie lúc đó còn nhiều việc khác để quan tâm, trong đó có việc học nên xe cà phê cũng khép lại sau một năm.
Sau bao năm bôn ba, cuối cùng Julie cũng “bỏ túi” vốn kiến thức kha khá và mong muốn chia sẻ cho những người có cùng đam mê. Bởi vậy, Julie nói mình yêu thích công việc giảng dạy tại Vietnam Barista School hơn là kinh doanh. “Tôi hạnh phúc khi thấy học viên “vỡ” ra nhiều thứ mới mẻ về cà phê. Từ các phản hồi của họ, tôi thấy lại chính mình khi đi trên hành trình đến với cà phê, đó là cảm xúc sung sướng và cảm động mỗi lần mở một cánh cửa mới, đôi khi là choáng ngợp vì nó quá tuyệt vời”, Julie chia sẻ về niềm vui của mình.Đắm say cà phê, Julie lao vào khám phá nó. Cô tâm sự mình chỉ hạnh phúc khi được học tập, nghiên cứu và giảng dạy về cà phê. Cô đã đổ rất nhiều tiền cho các khoá học trên khắp thế giới, với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Càng học và nghiên cứu sâu, cô càng say mê. Trong quan niệm của Julie, cà phê không đơn thuần chỉ là một loại thức uống mà là tổng hòa tất cả các lĩnh vực liên quan đến đời sống văn hóa con người. Khi thế giới thay đổi, đời sống con người thay đổi thì văn hóa cà phê cũng thay đổi theo.
Julie truyền kiến thức và đam mê cho học viên và ngược lại, sự ham học hỏi và cầu tiến của họ kích thích cô muốn nhân rộng mô hình chia sẻ của mình nhiều hơn nữa. Julie nhớ có lần vì “say” truyền đạt quá mà cô mất giọng, như lần cô đào tạo về “Cà phê take away” cho hơn 10.000 học viên trong 3 tháng liền. “Nhưng đổi lại, mình như được tiếp thêm nhiều năng lượng mới”, cô cười tươi.
Người giới thiệu về cà phê Việt Nam
Đi nhiều nơi, uống nhiều cà phê ở các nước, Julie càng thấy quý hạt cà phê của quê hương. Cô cũng không khỏi tự hào khi Việt Nam sản xuất ra được một trong những loại cà phê chất lượng nhất thế giới. Tuy nhiên, khi làm việc với các đối tác nước ngoài, Julie luôn có cảm giác như hạt cà phê của đất nước mình chưa được coi trọng trên chính trường quốc tế.
Đến một lần làm giám khảo trong cuộc thi về cà phê khu vực châu Á, cô càng cảm nhận sâu sắc về cái nhìn của thế giới về đất nước mình. “Tôi không thấy tự hào khi mọi người nghĩ tôi là giám khảo đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay một nước nào khác ngoài Việt Nam. Tôi thấy tự ái khi họ coi thường cả người thi lẫn người làm cà phê Việt. Từ lúc đó, tôi đặt cho mình một mục tiêu là phải trở thành người xuất sắc nhất trong các cuộc thi về cà phê quốc tế, ở vị trí người thi cũng như vị trí giám khảo. Hơn thế, tôi phải trở thành người dạy về cà phê ở các nước chứ không riêng gì ở quê hương”, Julie bộc bạch.
Trong các cuộc thi lớn, Julie muốn giới thiệu văn hóa cà phê Việt Nam qua những sản phẩm cà phê đẹp nhất với mùi hương tự nhiên của vùng đất quê hương. Nhưng khi trở về với công việc thường nhật, Julie không quá khó tính trong thưởng thức cà phê.Từ năm 2017, Julie trở thành giám khảo kỹ thuật và giám khảo trưởng trẻ tuổi nhất tại các giảivô địch thế giới về bộ môn cảm quan tại Hàn Quốc, bộ môn Latte Art tại Singapore, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Philippines… Cô cũng trở thành Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các trường đào tạo về cà phê, làm thành viên của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới, Hiệp hội cà phê châu Âu, giảng viên của Viện Nghiên cứu Phát triển cà phê Hàn Quốc…
Đối với cô, ly cà phê ngon là đạt được sự cân bằng giữa yếu tố văn hóa, ẩm thực và tinh thần. Thế nên, cô có thể thưởng thức ly Espresso pha bằng loại máy tốt nhất và cũng rất vui khi uống ly cà phê phin hương vị tự nhiên. Thậm chí, một ly cà phê pha bằng vợt, không đạt một chỉ số nào về kỹ thuật nhưng Julie vẫn thấy ngon vô cùng khi được thưởng thức cùng với chiếc bánh chuối nóng hổi tại nhà một người dân ở Bali, giữa thiên nhiên rộng lớn trong một ngày đẹp trời.
“Cà phê mỗi nơi đều ngon theo cách riêng, vì nó gắn liền với con người, văn hóa của từng vùng đất. Hạt cà phê đã trở thành cây cầu kết nối tự do trong văn hóa thưởng thức, tính độc lập, khác biệt của các dân tộc trên thế giới. Và con người sẽ cảm thấy hạnh phúc khi hiểu được cảm quan của chính mình”, Julie nói.