Truyện ngắn: Sang sông

1. Lưu dân rời đi trong màn đêm tịch mịch, không một tiếng vang. Vậy mà con chó nhà ai tuồng vẫn đánh hơi được, sủa nhặng. Tiếng chó nột nạt liên hồi rồi thưa dần, thưa dần, một lúc lâu chỉ còn lại giọng sủa bâng quơ, vài ba quãng cất lên một âm nghe chẳng nhắm vào đâu. Mư Đào mắt nhắm nghiền, tim vẫn còn rộn nhịp tư lự dõi theo bước chân chàng, chiếc bóng chàng dần xa trong tâm tưởng. Khi nghe tiếng chó sủa chỉ còn vu vơ thì nàng biết đích thị chàng đã đi tới bãi dâu. Biền dâu xanh ngắt là nơi nàng lần đầu tiên gặp mặt. Trời ơi đáng sợ. Đó không phải là một cuộc hẹn hò, đó là nơi thình lình lưu dân hiện ra như chui lên từ lòng đất giữa lúc Mư Đào đang thoăn thoắt hái dâu.

2. Đoàn người, tay xách nách mang, tướng mạo hung dữ, khắc khổ lầm lũi bước. Trông dáng mệt nhọc lâu ngày của ngay cả đám lính lệ đằng trước đằng sau hoặc lúc túc lẫn lộn giữa những lưu dân cũng có thể hình dung được bước chân qua nhiều tháng nhiều ngày. Mư Đào, như những đứa trẻ khác vốn vẫn được truyền tai cảnh tượng đáng sợ ấy tự đời này sang đời khác. Những cuộc di dân vốn dĩ không có đàn bà con gái, chỉ toàn những ông Ba Bị, lưng trần trùi trũi, đóng độc khố, mặt đen kịt. Chỉ cần hình dung dáng ông Ba Bị xuất hiện ở làng, vai đeo đôi gánh, túi nặng một đứa bé khóc như ri tất thảy mọi đứa trẻ đều cảm thấy hãi hùng. Buổi tối, trẻ con không đứa nào dám ra khỏi nhà, người lớn cũng không ra khỏi nhà. Chỉ có ánh sáng của thứ đèn mù u lờ mờ cháy trong không gian tĩnh mịch của làng.

Khi Mư Đào còn rất nhỏ thì bên kia sông chợ Củi đã là nơi trú ngụ của vô số lưu dân. Con sông chợ Củi vốn thanh bình, bên ni bờ nhìn sang bên kia rõ mắt nhưng thật kỳ lạ, hễ có người con gái nào dại dột sang sông thì không bao giờ thấy trở về nữa. Có thể họ đã rơi vào tay những người mặt đen hung dữ. Cũng có thể, ở bên kia sông, họ đã tìm thấy một thế giới khác, bắt đầu một câu chuyện khác trong cuộc đời mình. Dù sao, đó vẫn là một thế giới bí ẩn, đáng sợ. Từ đấy, đàn bà, con gái trong làng bị cấm kỵ qua sông. Lệ làng nghiêm ngặt nhưng không tránh khỏi dăm hồi vẫn có người bỏ làng biệt tích vô tăm âm tín. Mỗi lượt làng mất người, Mư Đào cảm thấy nôn nao nhiều trong dạ. Mư Đào không thấy sợ, nàng chỉ thêm phần tò mò và khao khát vượt sông. Rất có thể, ở đó, nàng tìm thấy được gốc tích của chính số phận cuộc đời mình. Mư Đào chưa kịp sang sông thì đương buổi hái dâu, lưu dân từ trong bãi biền xanh ngắt đã đột ngột hiện ra. Hai bên ú ớ nhìn nhau. Mư Đào tay buông nhành dâu, đi lùi lại mấy bước. Kỳ lạ, trong nỗi kinh sợ tột cùng, nàng không hiểu sao mình đã không kêu thét để cầu cứu. Mư Đào chỉ kinh ngạc đứng nhìn, không hiểu chàng từ đâu tới, chàng tới đây để làm gì, vai chàng không đeo bị, ánh mắt chàng cũng không giống loài thú dữ. Chàng đứng đó, lưng trần, chân trần, bối rối như có lỗi đã làm kinh động đến nàng. 

3. Lưu dân ước chừng tới được bên kia sông thì Mư Đào cũng đã nhóm được một bếp lửa cháy to. Sau tiết đại hàn, khí trời thêm phần se sắt. Mư Đào chợt cảm thấy lạnh vì thiếu vắng hơi ấm của chàng. Biết không thể ngủ ngay lúc này được, nàng chỉ còn cách nhóm lửa. Trong ánh sáng bập bùng, Mư Đào vẫn không thôi nghĩ đến lưu dân. Chàng sẽ vừa đi vừa chạy, bao giờ cũng thế, lần nào cũng thế. Chàng bảo, sau này chàng cũng sẽ dắt nàng vừa đi vừa chạy. Không phải chạy giữa bãi dâu dưới những đêm trăng mà là chạy trên con đường làng bên kia sông chợ Củi. Mư Đào khều thêm mấy que than, nghe hơi của bếp lửa phả vào mặt, hẳn nghĩ đến cảnh tượng ấy, Mư Đào không đưa tay lên vẫn biết má mình nóng rực. Nàng rồi cũng sẽ vượt sông, nàng sẽ có ngày tận mục thế giới làng mạc bên kia sông chợ Củi. Nhưng Mư Đào không muốn nàng qua sông trong đêm tối, nàng không muốn trốn đi cùng lưu dân và xóa tên mình trong ký ức của làng. Thế giới của nàng thuộc về những biền dâu này, nơi mà ngày ngày nàng có thể tự mình nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Nàng có thể được sinh ra trong côi cút nhưng nàng nhờ dân làng biền sông cưu mang, nuôi dưỡng để lớn lên. Mư Đào không thể. Dòng sông này không thể muôn đời chia biệt.

4. Buổi sáng mùa xuân năm ấy, người con gái khuôn mặt xoan bầu thanh tú thong thả thức dậy thực hiện một lễ nghi. Chưa bao giờ nàng mặc những tấm lụa sắc màu đẹp đẽ đến nhường thế. Nàng nhón chân bước ra khoảng sân nhỏ, lấy nước từ chiếc ảng còn đượm sương mai, từ tốn lau sạch khung cửi vốn đã nhẵn bóng qua bao tháng bao năm. Nàng như không hẳn chăm một vật dụng mà khẽ chạm vào đó, ân cần, nâng niu như lễ trọng với người thân. Đôi tay mềm mại của nàng, những lời thầm thỉ của nàng, ánh nhìn đằm thắm của nàng dịu dàng lướt qua từng thớ gỗ không khác gì bảo vật. Khung cửi sạch sẽ, bóng loáng, mùi của gỗ lâu ngày càng thêm nồng đượm. Mư Đào, tỉ mẩn căng lại từng sợi mắc. Nàng như nghe được tiếng va chạm rất khẽ của đôi bàn tay mình với những sợi mắc tựa hồ thanh âm của một cung đàn. Có vài sợi mắc căng quá, nàng vừa chỉnh lại khung go vừa nghĩ. Bao giờ cũng thế, trong buổi sáng nguyên xuân, Mư Đào vẫn thực hiện nghi lễ quay tơ vốn rất đặc biệt của làng, của riêng nàng. Hôm nay, xong xuôi hết thảy, nàng cũng ngồi vào khung cửi, nhưng tim nàng rộn rã hơn, đôi mắt nàng long lanh hơn. Từ tối qua, Mư Đào đã chọn mấy cuộn tơ thô, màu nâu, khác hẳn lệ thường với những cuộn tơ mảnh đã lên màu óng ả. Mư Đào sửa lại tư thế, dùng chân đạp bàn dận, mở khung go, tay giật vừa đẩy vừa bắt con thoi luồn sợi mành.  Tiếng khung cửi đều đặn vang lên những nhịp gấm hoa.

5. Dưới bến sông, lưu dân, với con thuyền độc mộc lần đầu tiên hạ thủy đã tự nghĩ cách neo lại chỗ bãi biền. Ánh mắt chàng tươi sáng, tay chàng còn rung rinh bó cúc tần nở dại vừa mới hái. Chàng vừa đi vừa chạy.

 Theo Baoquangnam.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM