Nguyên nhân gây rối loại, suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi

Tăng nhớ: Hiệu quả nhớ của người bệnh tăng một cách bệnh lý, cao hơn hẳn so với những người khác. Đa số các bệnh nhân này chỉ nhớ đến một loại kích thích nhất định, liên quan đến những ký ức sâu sắc, đến điều kiện nghề nghiệp, mà họ không thể có cách gì để không nhớ đến kích thích đó.
Mất nhớ: Trong những thời điểm, hoàn cảnh nhất định, người bệnh không thể nhớ được cái gì đã xảy ra trong quá khứ.
Loạn nhớ: Trong rối loạn nhớ, không có sự gián đoạn các thông tin đưa vào, không có sự suy giảm khả năng nhớ, mà là sự lệch lạc về chất lượng các “dấu ấn” được tạo ra, là sự thay đổi bệnh lý về chất lượng, thuộc tính của quá trình nhớ. Người ta thường gặp các loại rối loạn nhớ sau: Nhớ sai, nhớ dị biệt, nhớ bịa, nhớ ảo, viễn tưởng giả.
Giảm nhớ: Giảm hiệu quả của quá trình nhớ và quá trình lưu giữ tài liệu trong những trạng thái đặc biệt như khi sợ hãi, khi xúc động…
Do stress: Tình trạng stress không chỉ gây ra những tác động xấu đối với cơ thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trí nhớ, đặc biệt là phản ứng stress cấp tính. Một trong những nguyên nhân gây stress ở người trẻ là áp lực học tập. Nhiều trường hợp do bố mẹ đòi hỏi quá mức kết quả học tập ở con cái so với khả năng mà chúng có thể đạt được hoặc sự ngộ nhận về năng lực học tập của con em mình.
Do rối loạn phân ly: Các rối loạn phân ly hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành “dịch” trong một tập thể. Biểu hiện của các rối loạn phân ly rất đa dạng và hầu hết có rối loạn trí nhớ.
Do ảnh hưởng của các bệnh lý như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, bệnh tâm thần phân liệt… có thể gặp ở mọi lứa tuổi biểu hiện cảm xúc ngày càng cùn mòn, khô lạnh, tư duy nghèo nàn, ý chí suy giảm, hoạt động yếu đi đến chỗ không thiết làm gì, khả năng lao động, học tập, chú ý, trí nhớ đều giảm.
Thủ phạm gây rối loạn trí nhớ ở người trẻ
Stress, lo âu là một trong những nguyên nhân gây rối loạn trí nhớ ở người trẻ.
Sau chấn thương sọ não: Chấn thương sọ não (CTSN) là một hình thái tổn thương sọ não ngoại sinh. Hậu quả của CTSN rất khác nhau, từ hồi phục hoàn toàn đến để lại các di chứng nặng nề về thần kinh và tâm thần.
Do các bệnh nhiễm khuẩn: Các bệnh lý hay gặp là viêm não, màng não do vi khuẩn,virus, viêm màng não lao…
Do nhiễm độc: Các chất độc thâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây ra tổn thương thần kinh và các rối loạn tâm thần rất đa dạng, cấp tính hoặc kéo dài. Các triệu chứng rối loạn tâm thần phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:  loại chất độc, liều lượng, thời gian, mức độ nhiễm độc và các yếu tố mang tính cá thể như: thể trạng, sức đề kháng,…
Do nghiện rượu và thuốc phiện: Nghiện rượu làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, đến sức khỏe tâm thần và thể chất. Người nghiện thuốc phiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và trí nhớ.                   
Chậm phát triển tâm thần và động kinh: để lại sự thiếu sót trong các hoạt động trí tuệ và khả năng thích ứng.
Động kinh là một bệnh mạn tính, do nhiều nguyên nhân, người bệnh có thể có những rối loạn vận động. Nhưng hành vi đó có tính chất tự động, không mục đích và người bệnh sau đó không nhớ những gì xảy ra.
Trên đây là một số bệnh lý tâm thần ảnh hưởng đến trí nhớ (và trí tuệ nói chung) của người trẻ tuổi. Để điều trị chứng suy giảm trí nhớ cần điều trị bệnh chính gây nên tình trạng này. Một số thuốc có thể dùng: vitamin nhóm B, các thuốc dưỡng não… Ngoài ra tâm lý liệu pháp, thể dục, thư giãn  là hết sức quan trọng.
PGS.TS. Minh Đức
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM